|
Vị trí và đường đi của bão số 6 |
Bão tiếp tục suy yếu trước khi vào đất liền
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, tối nay (10/11), sau khi đi vào vùng biển gần bờ các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa bão số 6 đã tiếp tục giảm cấp.
Lúc 23h ngày 10/11, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có vị trí ngay trên bờ biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10 - 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6, trong đêm nay và ngày mai, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); khu vực Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100mm/24 giờ).
Khánh Hòa: Khẩn cấp ứng cứu 2 ngư dân mắc kẹt trên lồng bè
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, vào 17h chiều cùng ngày, đơn vị nhận được tin báo từ huyện Vạn Ninh, có 2 người dân thường trú tại xã Vạn Hưng, nuôi trồng thủy sản ở khu vực lạch Cổ Cò, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đang bị mắc kẹt trên bè nuôi trồng thủy sản. Vị trí bị mắc kẹt là 12,37 độ vĩ bắc - 109,22 độ kinh đông, trước bến đò Bãi Tranh, gần lạch Cổ Cò, thuộc thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Theo chính quyền địa phương, vào sáng 10/11, toàn bộ hộ nuôi trồng thủy sản nơi đây đã được vận động di chuyển lên bờ tránh trú bão số 6. Tuy nhiên, trưa 10/11, những người dân này đã tự ý ra lại lồng bè, đến chiều cùng ngày, khi bão số 6 tiếp cận gần bờ hơn, sóng to gió lớn nên không thể quay trở vào bờ.
Nhận tin báo, trong điều kiện sóng lớn, các tàu thuyền của địa phương không thể tiếp cận khu vực này nên huyện Vạn Ninh đã yêu cầu hỗ trợ ứng cứu.
Theo báo cáo nhanh lúc 18h30 ngày 10/11 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, qua nắm tình hình, đơn vị đã liên lạc được với 2 lao động đang trên bè tại khu vực Bãi Tranh, Cổ Cò (Vạn Thắng, Vạn Ninh), cách thị trấn Vạn Giã khoảng 20km theo hướng đông nam. Cụ thể, đó là ông Bùi Văn Hết (SN 1978) và ông Trần Hữu Sơn (SN 1986) đều trú tại xã Vạn Thắng. Đây là 2 trường hợp đã tự ý quay lại bè dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền di dời lên bờ trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ cùng ngày.
Lúc 18h55, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đã phát đi công văn yêu cầu Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam xác minh thông tin, vị trí chính xác của 2 ngư dân, đánh giá tình hình thời tiết, các yếu tố liên quan để xác định xác định quyết tâm điều tàu SAR đi cứu nạn. Tiếp tục phát thông báo hàng hải, duy trì liên lạc với ngư dân đang mắc kẹt.
|
Ghi nhận tại bờ biển Phú Yên chiều 10/11. Ảnh: Tấn Lộc/PLO. |
Sóng biển cao 6 - 8 m
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh: Ven biển TP Tuy Hòa (Phú Yên) chiều tối nay đã có gió gầm rú dữ dội kèm mưa rất to. Sóng biển cao 3 - 4 m bổ nhào lên bờ. Đường phố Tuy Hòa vắng tanh trước khi bão đổ bộ.
Trong khi đó, Công điện của UBND tỉnh Phú Yên vừa phát đi cho hay từ chiều 10/11 vùng biển tỉnh này bắt đầu có gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng dần lên cấp 10 - 11, giật cấp 12, sóng biển cao 6 - 8 m, biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng nước dâng và sóng lớn, khu vực ven biển các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa có nguy cơ xảy ra xâm thực bờ biển gây sạt lở nghiêm trọng.
Ông Bùi Thanh Toàn - Bí thư Huyện ủy Đông Hòa (Phú Yên) thông tin trên báo chí, cho biết với hướng di chuyển của cơn bão số 6 như hiện nay thì tâm bão xác định sẽ quét qua huyện này và TP Tuy Hòa (Phú Yên). Hiện huyệnĐông Hòa đã sơ tán toàn bộ hơn 600 người ở các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú ngoài biển ở Vũng Rô vào đất liền.
Tai huyện Tây Hòa (Phú Yên), ông Nguyễn Tấn Chân - Chủ tịch UBND huyện xác nhận, huyện này vừa có 1 người bị tử vong. Theo đó, khoảng 10h sáng nay, ông Nguyễn Minh Hưởng (SN 1983, ngụ thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông, huyện Đông Hòa), trong lúc ra sau nhà kiểm tra nhà trước khi bão đến đã vướng phải dây điện máy bơm nước đang rò rỉ điện nên bị điện giật. Ông được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
|
Xe bọc thép chuẩn bị ứng phó với bão số 6. Ảnh: PLO. |
Bình Định: Huy động xe bọc thép để kịp thời ứng cứu người dân
Để chủ động ứng phó với bão số 6, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã lập 2 trạm chỉ huy tiền phương tại tỉnh Bình Định và Quảng Nam để kịp thời ứng phó giúp dân.
Bên cạnh đó, lực lượng quân đội đã huy động trên 250.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; 2.300 phương tiện trên đất liền, trên 150 tàu thuyền ứng trực trên biển.
Đặc biệt, Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã huy động 2 xe bọc thép BRDM-2 sẵn sàng chờ lệnh. Đây là phương tiện linh hoạt trong tác chiến cơ động, có thể chở đến 20 người cùng hàng hóa, lội nước đến các vùng chia cắt.
Hàng loạt chuyến bay bị hoãn, lùi giờ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 tại khu vực Nam Trung Bộ, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ Phú Yên, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku trong ngày 10/11/2019.
Cụ thể: Vietnam Airlines sẽ hủy 6 chuyến bay bao gồm VN1651, VN1650 giữa Hà Nội và Phú Yên; VN1396, VN1397, VN1625, VN1624 giữa TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quy Nhơn.
Đồng thời, hãng sẽ khởi hành sớm từ 1 tiếng 40 phút đến hơn 3 tiếng đối với 6 chuyến bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nha Trang bao gồm: VN1564, VN1565, VN1356, VN1357, VN1358, VN1359. Các chuyến bay đến, đi từ Pleiku cũng sẽ được khởi hành sớm 3 tiếng bao gồm VN1613 từ Hà Nội đi Pleiku và VN1427 từ Pleiku đi TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ lùi giờ khởi hành từ 12 tiếng đến 18 tiếng đối với 4 chuyến bay quốc tế đến, đi từ Nha Trang sang ngày 11/11 bao gồm VN718, VN719 giữa Nha Trang và Thành Đô; VN440, VN441 giữa Nha Trang và Seoul.
Cùng với đó, Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng hủy 4 chuyến bay giữa Quy Nhơn, Phú Yên và TP Hồ Chí Minh trong ngày 10/11 bao gồm BL452, BL453, BL434, BL435.
Trong khi đó, Hãng hàng không Vietjet cũng điều chỉnh lịch khai thác các chuyến bay đến và đi tại các sân bay bị ảnh hưởng.
Cụ thể, hãng ngừng khai thác các chuyến bay VJ382/383 chặng TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh, VJ782/785 chặng Nha Trang - Hà Nội - Nha Trang, VJ789/788 chặng Hà Nội - Nha Trang - Hà Nội, VJ374/375 chặng TP Hồ Chí Minh - Chu Lai - TP Hồ Chí Minh, VJ415/416 Hà Nội - Chu Lai - Hà Nội, VJ690/694 chặng TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, VJ781 chặng Hà Nội - Nha Trang, VJ207 chặng Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, VJ448 chặng Tuy Hòa - Hà Nội, VJ434 chặng Quy Nhơn - Hà Nội và VJ836 chặng Nha Trang - Seoul (Hàn Quốc) ngày 10/11.
Vietjet cũng ngừng khai thác các chuyến bay VJ837 chặng Seoul (Hàn Quốc) - Nha Trang và VJ607 chặng Nha Trang - TP Hồ Chí Minh ngày 11/11
Ngoài ra, điều chỉnh giờ bay của các chuyến VJ435/434 chặng Hà Nội - Quy Nhơn - Hà Nội, VJ396/397 chặng TP Hồ Chí Minh - Pleiku - TP Hồ Chí Minh ngày 10/11 và VJ421/422 chặng Hà Nội - Pleiku - Hà Nội, VJ778 chặng Nha Trang - Hà Nội ngày 11/11
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ theo chính sách của các hãng hàng không, và chuyển sang các chuyến tiếp theo khi thời tiết tốt hơn.