Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư (ảnh bên) về diễn biến của cơn bão này.
Bão số 8 quét qua hầu hết các tỉnh ven biển phía Bắc vào thời điểm này có phải hiện tượng bất thường hay không, thưa ông?
- Bão số 8 là hiện tượng bất thường vì thời điểm này thông thường bão chỉ hướng vào khu vực miền Trung. Hơn nữa, theo dự báo ban đầu, khi bão đến sát phía Nam quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt được cường độ mạnh nhất, sau đó tiến ra Nam vịnh Bắc bộ rồi ma sát với đất liền và suy yếu dần. Nhưng thực tế, sau khi đi vào Trung bộ, bão đã mạnh lên 2 cấp. Chiều 27/10, trong vòng 4 - 5 giờ bão mạnh lên cấp 12, giật cấp 14 và tiếp tục duy trì cường độ ra tận các tỉnh miền Bắc.
Điểm bất thường thứ hai là bão di chuyển dọc theo bờ biển nước ta suốt từ Trung Trung bộ qua Bắc Trung bộ ra đến tận Đồng bằng Bắc bộ và Quảng Ninh. Trong quá khứ, chỉ có cơn bão số 7 năm 2005 đi dọc ven biển nhưng chỉ quét qua ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi sau đó ra phía Bắc, còn bão số 8 có hướng di chuyển dài, cường độ mạnh hơn.
Hiện tượng dị thường của bão có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không, thưa ông?
Ngành viễn thông, điện lực thiệt hại nặng Do ảnh hưởng của bão số 8, các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh khiến hàng chục ngàn thuê bao điện thoại của các mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone bị gián đoạn, mất sóng liên lạc kéo dài. Cả hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel và VNPT chịu ảnh hưởng nặng như đứt cáp, gẫy cột. Theo thông báo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mưa bão đã làm hệ thống lưới điện trung thế khu vực miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) gặp nhiều sự cố. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí bị bay các tấm tôn lợp mái lò, gây đứt dây dẫn trong giàn phân phối trạm 220kV. Ngoài ra, 6 đường dây 110kV gặp sự cố và vẫn đang khắc phục. Hiện EVN chưa có số liệu thống kê cụ thể về chi phí và vẫn đang tiếp tục tổng hợp các thiệt hại. Trang Phương |
- Không chỉ qua một cơn bão số 8 mà khẳng định là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng các cơn bão biểu hiện dị thường về hướng đi, cường độ ngày càng nhiều hơn. Trước đây, tỷ lệ cơn bão dị thường chỉ chiếm 10 - 12% tổng số cơn bão nhưng đến nay tỷ lệ bão dị thường tăng lên, thậm chí là hơn một nửa số cơn bão.
Tại một số tỉnh phía Bắc, một bộ phận người dân và kể cả cấp chính quyền có tư tưởng chủ quan vì nghĩ không thuộc phạm vi đổ bộ của bão số 8 dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Điều này có nguyên nhân nào do công tác dự báo bão không, thưa ông?
- Chúng tôi không bình luận gì về công tác chuẩn bị ứng phó của các địa phương dẫn tới thiệt hại như thế nào. Như tôi đã nói, cơn bão số 8 diễn biến phức tạp cả cường độ và hướng đi. Thực tế đây là cơn bão có đường đi dài nhất, từ Nam ra Bắc, cường độ mạnh lên bất thường trong khoảng thời gian ngắn nhất và duy trì cường độ mạnh trong một thời gian khá dài. Chính vì vậy công tác dự báo gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió Tây trên cao nên từ ngày 26, 27/10 bão có xu hướng lệch dần về phía Bắc. Chúng tôi liên tục cập nhật vùng đổ bộ của bão, tuy nhiên việc xác định chính xác vùng bão đổ bộ là rất khó. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã cố gắng nỗ lực hết sức để phục vụ tốt cho hoạt động của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi tình huống bất khả kháng nằm ngoài khả năng của chúng tôi.
Ông nhận định như thế nào về tình hình mưa bão từ nay đến cuối năm?
- Theo nhận định của chúng tôi, mùa mưa bão còn kéo dài đến đầu năm 2013 và còn có khoảng 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới xảy ra. Tuy nhiên đây chỉ là dự báo dài hạn, chưa khẳng định chính xác. Do đó, tất cả các địa phương vẫn phải chủ động trong công tác ứng phó với mưa bão.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến cuối giờ chiều 29/10, bão số 8 đã làm 6 người chết và mất tích; 5.073 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Bão cũng làm hơn 23.800ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 700ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 30 lồng bè nuôi cá bị vỡ; 600 chòi canh bị đổ, hư hỏng; hơn 200m2 đê, kè bị sụt lún; 41 tàu, thuyền bị chìm... Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. |