Bảo tàng Hà Nội chạy nước rút

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, bà Dương Minh Ánh - đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã gửi văn bản chất vấn Thủ tướng về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội và lý do điều chuyển đơn vị này về Bộ VHTT&DL. Điều này khiến dư luận quan tâm số phận của Bảo tàng Hà Nội sẽ ra sao khi 10 năm khánh thành vẫn chưa trưng bày xong?

 Khách tham quan Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Bộ chưa tiếp nhận Bảo tàng Hà Nội 
Đã từng có thông tin Bảo tàng Hà Nội tại số 4 Phạm Hùng sẽ được nhập lại làm một bộ phận của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, chịu sự quản lý của Bộ VHTT&DL. Các chuyên gia bày tỏ sự lo lắng cho Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ không có bảo tàng riêng để gánh vác câu chuyện về lịch sử văn hóa. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020 đã nêu mỗi tỉnh, thành cơ bản có một bảo tàng. Để trả lời những thắc mắc về việc nhập tách Bảo tàng Hà Nội, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL khẳng định, đến nay Bộ chưa tiếp nhận Bảo tàng Hà Nội; lý do bởi các bên liên quan chưa nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi đơn vị quản lý bảo tàng.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, từ tháng 5/2020, Bảo tàng Hà Nội đã chính thức đóng cửa phục vụ công tác thi công. Dự kiến tháng 8/2020 sẽ khởi công và thực hiện trong vòng 1 năm. Đơn vị quản lý Bảo tàng hy vọng cuối năm 2021 Bảo tàng Hà Nội sẽ chính thức mở cửa, đưa vào hàng chục nghìn hiện vật để "kể câu chuyện về Hà Nội".
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, lý do Bảo tàng Hà Nội chưa thể tổ chức trưng bày là việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội chia thành hai giai đoạn, toà nhà đã hoàn thành và khánh thành năm 2010. Giai đoạn tiếp theo là thi công trưng bày nội thất, thì đến nay chưa hoàn thành. Một trong những nguyên nhân khách quan là từ năm 2008, TP Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nên bảo tàng phải thay đổi kế hoạch trưng bày, làm sao bao trùm được cả địa bàn. Các hiện vật trưng bày phải thể hiện được văn hóa Thăng Long, Xứ Đoài, các vùng phụ cận khác.
Việc điều chỉnh nội dung và bổ sung thêm hiện vật tốn nhiều thời gian, sau đó còn phải lên kế hoạch thiết kế thi công nội thất. Từ năm 2016, TP điều chỉnh dự án nội dung trưng bày để phù hợp với tình hình thực tế của bảo tàng. Sau đó, đơn vị đã mời nhiều chuyên gia bảo tàng, lịch sử, văn hoá... để cùng tham gia thiết kế nội thất. Hiện nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành đề cương trưng bày, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi công khánh thành dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội.
Sẽ kể câu chuyện dài về Hà Nội
Ông Nguyễn Tiến Đà cho hay, với tổng diện tích trưng bày lên tới gần 10.000 m2, bảo tàng “kể” câu chuyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên cơ sở hơn 70.000 tài liệu, hiện vật. Có thể khẳng định, đây sẽ là câu chuyện lịch sử phong phú, đặc sắc khi số lượng tài liệu, hiện vật của bảo tàng có thể lớn nhất so với các bảo tàng của cả nước. Đề cương trưng bày được thiết kế theo 7 chủ đề (với 25 tiểu chủ đề) gồm: Thiên nhiên; Hành trình đến Thăng Long; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt; Hà Nội thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; Kháng chiến và giành độc lập (1873 - 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội; Hà Nội trên đường đổi mới. Mỗi chủ đề được chứng minh bằng nhiều tiểu chủ đề khác nhau, trong đó có những tiểu chủ đề rất độc đáo, tạo ra cái nhìn mới về Hà Nội như: Giảng Võ đường, Kẻ chợ, Thành Vauban, TP thuộc địa, Khu tập thể...
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày còn có thêm một chuyên đề giới thiệu tại 3 tầng nhà bảo tàng. Ở sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ, Bảo tàng Hà Nội trưng bày và tái tạo: Phố cổ, cổng làng, nhà trường lang, hiện vật khối lớn và sẽ bổ sung thêm khu trưng bày đầu tầu hơi nước.
Số lượng hiện vật lớn, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, không thể đưa tất cả 70.000 hiện vật, tài liệu hiện có ra trưng bày tại Bảo tàng, mà cần phải xem xét cụ thể về chất lượng. “Nhiều mẫu vật lưu kho hơn chục năm, không còn bảo đảm chất lượng nên lựa ra mẫu nào hiếm quá có thể chấp nhận, còn mẫu nào có thể thay thế thì cần thay thế, bổ sung. Ngoài ra, đối với khu vực trưng bày khai quật khảo cổ học, nên thay thế các bức ảnh bằng các mô hình, mẫu vật tượng trưng” - PGS.TS Nguyễn Trung Minh - nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiến kế để hoàn thiện chất lượng nội dung trưng bày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần