Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn ca trù, không nên quá bi quan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi nghệ thuật ca trù đang nẩy tiếng đàn, ròn tiếng phách, vang câu ca tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011, thì đằng sau cánh gà là khuôn mặt đăm chiêu của các nhà nghiên cứu, người yêu ca trù cho vấn đề bảo tồn.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Đặng Hoành Loan, một trong số những người đã "chung lưng đấu cật" cùng ca trù từ những ngày đầu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp cho đến bây giờ.

Vừa bảo tồn, vừa chờ chính sách

-  Thưa ông, sau 2 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, nghệ thuật ca trù có gì thay đổi?

Năm 2005, lần đầu tiên Liên hoan Ca trù toàn quốc được tổ chức không có mấy người tham gia. Năm nay, số lượng đăng ký gấp 5 lần, chứng tỏ sức sống của ca trù đã tăng gấp 5 lần so với trước. Rất nhiều CLB do người dân thành lập đã nổi lên, sự hưởng ứng của người dân với loại hình nghệ thuật này ngày càng mạnh mẽ. Không chỉ riêng Hà Nội mà còn nhiều địa phương nhiệt tình tham gia bảo tồn và biểu diễn ca trù. Ở Quảng Bình, Sở VHTT&DL đủ kinh phí cấp cho một CLB tham gia. Thấy vậy, bốn CLB còn lại đã xin được bán trâu, bán bò để ra Hà Nội. Hay ở Phú Thọ, CLB văn thơ Phú Thọ khi nghe tin có Liên hoan Ca trù đã liên hệ xin đi thi.

-  Theo đánh giá của PGS, các đào, kép đã sống được bằng nghề của họ chưa, hay ca trù phát triển chủ yếu dựa vào sự mến mộ của người dân?

Hiện nay, đào, kép không sống được bằng nghề và xưa cũng thế. Nhưng họ được sự bảo trợ của cộng đồng và được cấp đất. Chính vì thế, ở Thanh Hóa vẫn còn những cánh đồng Công ca. Ngày nay việc cấp đất là khó nhưng các cụ nghệ nhân vẫn đứng ra tổ chức sinh hoạt và truyền dạy ca trù. Ví dụ ở Hà Nội, nghệ nhân Kim Đức, Kim Sinh đã truyền nghề cho con gái. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ người làm nghề để ca trù có thể đứng vững.

- Theo ý ông, dường như sự tham gia của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ bảo tồn, phát triển ca trù vẫn còn khiêm tốn?

Theo tôi, mấy năm nay Nhà nước đã làm tốt công tác bảo tồn ca trù. Thứ nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thứ hai là lời hứa của Bộ trưởng Bộ VHTT & DL có nói rất rõ phải ra những chế độ, những chính sách, để hỗ trợ nghệ nhân, hỗ trợ cộng đồng. Thứ 3, hiện nay các tỉnh đã có những động thái tích cực, ví dụ như Hưng Yên, Quảng Bình, Hải Dương đã xuất bản sách về ca trù. Đây là những động thái tích cực để phục hồi ca trù.

- Đã hơn 3 năm, việc công nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú vẫn còn bàn bạc chờ quyết định; số lượng nghệ nhân chỉ còn đếm trên đầu ngón tay... Nếu cứ đà này, ca trù sẽ có nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản văn hóa thế giới?

Đúng là vấn đề công nhận danh hiệu vẫn chưa có kết quả. Một số người trong số 21 nghệ nhân của ca trù còn lại từ năm 2004 đã khuất núi. Chúng ta chưa có những biện pháp thực sự để hỗ trợ việc truyền dạy của nghệ nhân trong thời buổi hiện nay. Nếu chúng ta động viên, hỗ trợ nữa thì các nghệ nhân sẽ hết lòng và cần hỗ trợ cả người học. Tuy nhiên phải nói rằng, công nhận danh hiệu với các nghệ nhân ca trù rất khó xác định, không thể dựa vào huy chương hay thành tích cụ thể. Công nhận là quí, nhưng làm sao phải công nhận đúng và công bằng. Hiện nay, các điều lệ qui định công nhận đang hoàn tất và có thể được Bộ quyết định trong nay mai. Ngoài ra, Viện Âm nhạc Việt Nam đã có một đề án qui định những chính sách hỗ trợ nghệ nhân và người học ca trù.

- Theo ông, trong bao lâu nữa chúng ta có thể làm hồ sơ đề nghị UNESCO rút ca trù khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại?

Theo đà bảo tồn hiện nay, chỉ 2 năm nữa ca trù có thể sẽ không còn liệt vào di sản cần bảo vệ khẩn cấp mà trở thành di sản phi vật thể của nhân loại.

- Kể cả khi chúng ta chưa thật sự khẩn cấp bảo vệ di sản?

Theo tôi, chúng ta không nên có cái nhìn bi quan về vấn đề bảo tồn, cũng đừng đòi hỏi bảo tồn phải làm nhanh, làm mạnh, cái gì cũng phải từ từ từng bước.

Chờ ngày phục hưng

-  Người ta nói, không gian trình diễn ca trù đang biến thành không gian trình diễn ca múa nhạc. Trong vai trò đạo diễn Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011, ông chú trọng đến việc tái hiện không gian. Đây là cách bảo tồn từng bước?

Trước đây, mỗi liên hoan chỉ là một đơn vị, một CLB nào đó, lên hát vài bài rồi về. Khán giả không biết bài hát xuất xứ từ đâu, có ý nghĩa như thế nào, gắn với điều gì trong xã hội. Chúng tôi thực hiện phục dựng không gian hát ca trù là để người dân hiểu rằng bài hát này, chỉ được hát trong không gian nhất định nào đó, gắn với không gian nào đó. Từ đó, cộng đồng sẽ hiểu đúng về di sản, thấy được cái hay, cái đẹp gắn với không gian di sản ấy.

-  Từ những liên hoan ca trù trước, các CLB quen với hình thức biểu diễn từng tiết mục đơn lẻ. Lần này làm khác đi, liệu các đơn vị tham gia có thực hiện được không, thưa ông?

 

"Qua công tác kiểm kê di sản văn hóa ca trù ở TP Hồ Chí Minh, tôi thực sự lo ngại, không biết phải mất bao lâu nữa, bắt đầu từ đâu để vực dậy ca trù khỏi mối lo thất truyền, nguy cơ mai một. Thời gian không chờ đợi với sự "đủng đỉnh" khi mọi chuyện đều đã trở nên khẩn cấp".

Ông Lê Văn Lộc Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Hồ Chí Minh

lTheo số liệu thống kê mới nhất được công bố tại Hội nghị kiểm kê di sản văn hóa ca trù diễn ra hôm qua (13/10): Hiện cả nước có hơn 100 CLB ca trù, trên 500 người biết đàn, hát. Đến hôm nay, nhiều cụ trong con số 21 nghệ nhân được xác lập trong thời gian xây dựng hồ sơ (2004 - 2008) đã khuất núi. Chính vì vậy, trong kế hoạch phục hưng ca trù vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, cần trao đổi, khắc phục và có sự chia sẻ của cả cộng đồng.

 

Các CLB, các đơn vị đều đã được chúng tôi hướng dẫn thực hiện ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng xây dựng liên hoan. Hơn nữa, họ đều là những người yêu, hiểu ca trù, đang gìn giữ, phát huy di sản này nên thực hiện trình diễn đúng với không gian của điệu hát cũng chính là điều mà họ tâm huyết. Tôi nghĩ là họ sẽ làm được. Tái hiện không gian trình diễn ca trù là cần thiết để ca trù phát triển trọn vẹn. Chúng tôi hướng đến việc làm đúng nguyên bản xưa, và tôi nghĩ, khi làm đúng, cộng đồng hiểu hết về ca trù thì sẽ phục hưng được di sản này.

-  Xin cảm ơn ông!