Kinhtedothi - Ngày 10/12, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Công ty Tư vấn đầu tư phát triển cầu Long Biên phối hợp tổ chức tọa đàm "Cầu Long Biên - Giải pháp nào để gắn bảo tồn với phát triển". Buổi tọa đàm có sự tham gia của các hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị và các chuyên gia. Tại tọa đàm, dự án của KTS Việt kiều Nguyễn Nga về cầu Long Biên đã được đưa ra lấy ý kiến.
Từ một ý tưởng hoành tráng
Đã nhiều năm theo đuổi Dự án bảo tồn và phát triển di sản văn hóa du lịch cầu Long Biên, KTS Nguyễn Nga chia sẻ, cần giữ lại cầu Long Biên như một biểu tượng văn hóa, một bảo tàng ký ức của thế kỷ XX. Bà Nga cho biết, năm nay là cơ hội cuối cùng để có thể khởi động lại nguồn vốn của Pháp đã hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam (khoảng 80 - 100 triệu Euro), nếu chậm (sau năm 2014) thì nguồn vốn này sẽ bị "khóa lại". Và nếu không được trùng tu thì có thể sẽ không giữ được cây cầu, bởi tải trọng cầu đang phải chịu rất lớn so với sự xuống cấp.
Theo ý tưởng của dự án, cầu Long Biên sẽ trở thành cầu đi bộ, giao thông xanh. Với 9 nhịp còn gần như nguyên vẹn sẽ trở thành bảo tàng đường sắt. Nửa cầu còn lại, 800m từ giữa cầu về phía quận Long Biên trở thành bảo tàng ký ức thế kỷ XX. Những nhịp cầu đã bị hủy hoại trong chiến tranh sẽ được tái hiện với công nghệ đúc thép hiện đại và phủ kính trong suốt để làm khu bảo tàng, triển lãm. Dự án cũng tính đến việc khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng thành quảng trường, triển lãm quốc gia nông lâm ngư, công
viên nghệ thuật. 131 vòm gạch cầu dẫn từ cầu Long Biên đến phố Phùng Hưng khai thác làm vườn treo, khu phố nghề. Tái dựng lại cây cầu cần 2.000 tỷ đồng và một số tiền để khai thác 131 vòm này. Bà Nga cho biết, giải pháp hay nhất để thực hiện dự án là mô hình hợp tác công - tư, Nhà nước đứng ra bảo lãnh. Để tái dựng lại cây cầu và khai thác các hạng mục của dự án cần hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án còn đề xuất tạo dựng một công trình mới là tháp sen, điểm nhấn mới cho khu vực Long Biên và tạo một con đường thông suốt đi từ Nhà hát Lớn đến cầu Long Biên, qua khu vực phố cổ.
Đến những câu hỏi khó
Theo KS Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở QH - KT, đề án có nhiều ý tưởng, nhìn về tổng thể thì tích cực. Nếu không phải đánh đổi mà có được những gì mà dự án đưa ra thì quá dễ để chấp nhận. Cầu Long Biên và đường dẫn, theo quy hoạch vẫn là một công trình giao thông. Nếu thực hiện ý đồ của đề án thì chức năng giao thông khó thực hiện được. Nếu trở thành bảo tàng thì sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh giao thông. Vậy duy trì giao thông ở mức nào, rõ ràng phải có sự đánh đổi và cần phải làm rõ sự đánh đổi này(?). Về 131 vòm gạch cầu dẫn trên phố Phùng Hưng, ông Tuấn cho rằng, phần cầu dẫn từ ga đầu cầu đến đoạn gặp phố Trần Phú không chỉ phục vụ cho cầu Long Biên mà còn phục vụ cho dự án cầu đường sắt đô thị.
Với quan điểm ủng hộ việc bảo tồn cầu Long Biên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đừng mang gánh nặng lớn khoác lên vai cây cầu này với quá nhiều ý tưởng từ bảo tàng, vườn treo, phòng tranh đến phố nghề… Vả lại, nếu treo lồng kính lên để làm bảo tàng thì sẽ làm mất đi sự hòa hợp với không gian tự nhiên của cây cầu. Nên đặt dự án trong bảo tồn văn hóa của Hà Nội phải căn cứ vào định hướng quy hoạch văn hóa, bảo tàng, làng nghề đã được duyệt - ông Nghiêm lưu ý.
Và những việc cần làm ngay
Với cái nhìn của một nhà quản lý trong lĩnh vực đô thị, ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Quản lý phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, cầu là giao thông nhưng ở cầu Long Biên còn là vấn đề văn hóa. Mặc dù chưa được công nhận chính thức nhưng hình ảnh của cầu Long Biên đã đi sâu vào tiền thức của người dân. Không nên dùng kinh tế để lấn át đi câu chuyện bảo tồn. Để dung hòa các vấn đề, phải lồng ghép thêm vào quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội, đây là đồ án giải quyết tổng thể các vấn đề. Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đánh giá, từ những năm 2003 - 2004, TP Hà Nội đã cùng Bộ GTVT thảo luận với Chính phủ Pháp về dự án cầu Long Biên. Khởi động lại việc bảo tồn cầu Long Biên là điều đáng mừng nhưng cần có sự dung hòa một cách khoa học trong bảo tồn để đảm bảo được tính văn hóa, lịch sử, kinh tế. Đã có nhiều dự án khai thác bãi giữa, xây dựng hai bên sông Hồng, khai thác các vòm cầu… rõ ràng việc kết hợp dự án cầu và khai thác khu vực xung quanh là cần thiết nhưng phải phân khúc để thực hiện.
Ghi nhận những ý kiến tham gia tọa đàm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hội sẽ có văn bản chính thức gửi đến các bộ, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội về những vấn đề tọa đàm đã ghi nhận về việc bảo tồn cầu Long Biên. Đây là thời điểm thuận lợi để thực hiện vì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc bảo tồn cầu Long Biên và đã tách riêng cầu đường sắt. Quan trọng hơn hết là Bộ VHTT&DL phải vào cuộc để sớm công nhận cầu Long Biên là di tích quốc gia. Hà Nội có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử nhưng không phải công trình nào cũng gắn bó, đi vào lòng người, đi vào lịch sử như cầu Long Biên. Nếu thiếu sự quan tâm, nếu chậm trễ, có thể Hà Nội sẽ mất đi một cây cầu thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử.
Cầu Long Biên. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
|
"Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm hoàn thiện theo thiết kế, giữ dáng dấp của thời kỳ đầu, bản gốc đã đi vào lịch sử. Bỏ hết các trụ tạm, hiện đang ảnh hưởng dòng chảy. Các trụ giếng chìm hoàn toàn có thể sử dụng lại được, bớt kinh phí làm lại cầu. Có một số giải pháp để giải quyết vấn đề tĩnh không cho các phương tiện giao thông thủy như giữ nguyên cao độ, tạo các điểm nâng hoặc giữ nguyên cao độ về phía đầu cầu giáp khu vực Hoàn Kiếm, nâng cao độ ở phía Gia Lâm". Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT Phạm Hữu Sơn |