Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm”.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Kho báu di sản đồ sộ

Theo báo cáo của UBND huyện, Gia Lâm là quê hương của Đức Thánh Gióng và Đức Thánh Chử Đồng Tử - hai trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và nhiều nhân vật nổi tiếng như: Hoàng thái hậu Ỷ Lan, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Thánh thơ Cao Bá Quát…

Sở hữu 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến, trong đó có 01 khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; 100 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lễ hội đình Chử Xá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đại diện UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm phát biểu tham luận tại tọa đàm.
Đại diện UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, Gia Lâm cũng là vùng đất có truyền thống hiếu học bởi đứng đầu các huyện thuộc phủ Thuận An xưa về nhiều người học giỏi, đỗ cao trong các triều đại phong kiến với 42 người đỗ tiến sĩ và có 4 làng được xếp vào làng khoa bảng ở 4 xã: Phú Thị, Kim Sơn, Bát Tràng, Ninh Hiệp. 

Gia Lâm cũng nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống được giữ gìn và phát triển đến ngày nay, đó là: Nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng, xã Kim Lan; nghề dát vàng quỳ, may da ở xã Kiêu Kỵ; chế biến thuốc nam, thuốc bắc ở xã Ninh Hiệp… Trong đó, 2 làng nghề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là nghề gốm ở xã Bát Tràng và nghề dát vàng quỳ xã Kiêu Kỵ.

Đại diện Hội LHPN huyện Gia Lâm phát biểu tham luận tại tọa đàm. 
Đại diện Hội LHPN huyện Gia Lâm phát biểu tham luận tại tọa đàm. 

Đến nay, Gia Lâm đã có 3 xã được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch gồm: Phù Đổng, Bát Tràng, Dương Xá. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là cơ sở, điều kiện giúp Gia Lâm phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, huyện Gia Lâm đã lựa chọn lĩnh vực “Du lịch văn hóa” và “Thủ công mỹ nghệ” làm trọng điểm để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Xây dựng lộ trình phát triển phù hợp

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu là đại diện các xã, đơn vị, cơ sở khai thác du lịch trên địa bàn đã tập trung trao đổi, thảo luận 3 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, làng nghề truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Thực trạng và giải pháp để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống ở địa phương gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Đề xuất, kiến nghị với các cấp ủy, chính quyền để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, việc khai thác, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có du lịch văn hoá trên địa bàn huyện Gia Lâm thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có sự phát triển tốt. Các nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan và dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ đã và đang đi đúng hướng, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…

Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Khắc Định trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Khắc Định trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị UBND các xã, thị trấn; các Hội làng nghề tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; xây dựng kế hoạch duy tu duy trì định kỳ các di tích; xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Gia Lâm Chu Thị Thanh Huyền trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Gia Lâm Chu Thị Thanh Huyền trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Bên cạnh đó, chủ động giải quyết, tháo gõ khó khăn đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như giới thiệu các di tích, huy động các nguồn lực xã hội hóa trong Nhân dân nhằm đóng góp cho việc tu bổ tôn tạo các di tích đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Tại hội nghị tọa đàm, huyện Gia Lâm đã khen thưởng 19 tập thể, 12 cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn.