Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn theo kiểu...nới luật?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau lùm xùm người dân làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu, TP Hà Nội đã dành...

Kinhtedothi - Sau lùm xùm người dân làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu, TP Hà Nội đã dành nhiều điều kiện để trùng tu và bảo tồn giá trị di sản. Tuy nhiên, việc bảo tồn nhà cổ, quản lý trật tự xây dựng nơi đây đang theo kiểu “nới luật” lại càng khiến người dân bức xúc.

Thả cửa cho xây mới

Sau 2 năm người dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu, vùng di sản thuần nông vẫn không lấy lại được vẻ bình yên ngày nào. Hàng xóm láng giềng tranh cãi nhau vì từng thước đất. Từng nhóm người luôn tụm năm tụm bảy phản ánh, khiếu nại những sự việc được người dân cho là khuất tất. Ngay sau cổng làng cổ là những tấm băng zôn phản đối cách quản lý của chính quyền Đường Lâm.
Nhà cao tầng xen lẫn với các ngôi nhà cổ tại Đường Lâm.  Ảnh: Phạm Hùng
Nhà cao tầng xen lẫn với các ngôi nhà cổ tại Đường Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Mâu thuẫn lớn nhất trong nội bộ người dân Đường Lâm hiện nay chính là việc thả cửa trong quản lý xây dựng của chính quyền địa phương. Nếu như trước đây, những vi phạm trong xây dựng tại làng cổ luôn bị đội quản lý xây dựng xử lý ngay, thì từ đầu năm 2014, khi bản Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được công bố, số nhà vi phạm trong xây dựng lại nhiều hơn và công khai hơn (khoảng hơn 50 công trình vi phạm). Từ tháng 1 - 3/2014 (trước thời điểm công bố quy hoạch) có 10 hộ xây dựng nhưng có 4 hộ xây sai quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích làng cổ của UBND thị xã Sơn Tây (không sử dụng vật liệu truyền thống). Từ tháng 4 đến hết tháng 12/2014, có 38 hộ xây dựng, trong đó có tới 27 hộ (gồm 3 hộ có nhà cổ) xây dựng sai quy hoạch, chủ yếu vi phạm về khoảng lùi. Chỉ riêng quý I/2015 có tới 10 hộ xây dựng sai quy định.

Khoanh vùng vi phạm

Thắc mắc lớn nhất của người dân làng cổ lại ở việc, các hộ gia đình cùng sinh sống ở khu vực 1 của làng cổ cùng có những khó khăn trong sinh hoạt, song có hộ “được phép” vi phạm, có hộ lại bị cưỡng chế đến đứt nóc. Và thực hư của câu chuyện luôn được “rỉ tai” là mang quà biếu cho mỗi đoàn thanh tra để “xuôi” công trình vi phạm xây dựng lại càng tạo nên bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thôn Mông Phụ (khu vực bảo vệ loại 1 của di sản) có hàng loạt công trình đang hoàn thiện cơi nới mái tôn, mái vẩy, nâng cao tầng, đặt bồn nước inox làm mất mỹ quan làng cổ. Theo quy hoạch, đối với tuyến ngõ có mặt cắt rộng hơn hoặc bằng 3m, công trình có khoảng lùi so với chỉ giới ngõ tối thiểu 10m, nhưng gia đình ông Giang Văn Bảo ở gần đình Mông Phụ đã xây nhà sát 2 tuyến ngõ, không có khoảng lùi, ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan làng cổ. Tiếp đến là hộ ông Hà Văn Toán cũng xây nhà 2 tầng bằng gạch đất nung rất khang trang. Cho dù mảnh đất của gia đình anh Hà Văn Toán cách xa ngõ rộng hàng chục mét, nhưng lại liền kề với ngôi nhà cổ nên công trình vẫn thuộc diện vi phạm xây dựng…

Theo lý giải của ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, sở dĩ chính quyền địa phương chưa ra tay cưỡng chế những công trình vi phạm xây dựng trong năm 2014 và đầu năm 2015 là vì đang trong khoảng thời gian công khai, giải thích bản Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm, đồng thời cần thời gian hướng dẫn thủ tục xin cấp phép xây dựng. Những vi phạm trong thời gian qua mới được khoanh vùng để đấy.

Bảo tồn “nửa vời”

Hai năm trước, UBND thị xã Sơn Tây từng đề xuất với TP đầu tư 500 tỷ đồng để trùng tu, bảo tồn, giãn dân… Đó là khoản tiền lớn mà ngân sách Nhà nước không thể bao hết được. Song với nỗ lực “cứu” làng cổ, trong năm 2014, cùng với nguồn đầu tư của ngân sách TP và dự án hỗ trợ của Nhật Bản, Đường Lâm đã trùng tu được 16/100 ngôi nhà cổ loại 1. Theo ông Sơn, với tiến độ này, đến năm 2020, Đường Lâm sẽ trùng tu được 50% nhà cổ. Thế nhưng, bên cạnh câu chuyện cũ về quản lý xây dựng, nhiều hộ dân cũng tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả thực tế của dự án này. Thế mới có chuyện, căn nhà cổ loại 1 của bà Kiều Thị Thảo, đồng sở hữu với 3 chủ hộ khác được trùng tu tiền tỷ rồi bỏ hoang. Bởi khi trùng tu, phía dự án không hỏi ý kiến bà Thảo mà tự ý tiến hành. “Tôi nghe báo tin, về nhà thì thấy mọi thứ đã gần xong rồi. Bây giờ, nhà đang tranh chấp chưa được giải quyết, tôi cũng chẳng biết khai thác vào mục đích gì?” – bà Thảo chia sẻ.

Đặc biệt, số tiền đầu tư được công bố từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi nhà cổ trong thời gian qua cũng là lý do gây thắc mắc với nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Văn Lê (xóm Hậu, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) - chủ một căn nhà được đầu tư tu bổ,  cũng đặt nghi vấn làm sao dự án tiêu hết 1,3 tỷ đồng tiền đầu tư? Trả lời về vấn đề này, ông Sơn cho biết: “Tiền đầu tư từ ngân sách Nhà nước không giống như gia đình tự bỏ tiền sửa nhà. Số tiền thực chi cho mỗi dự án chỉ chiếm khoảng 60 - 70% mức đầu tư, còn lại là các khoản tiền về phí thiết kế, xây dựng nhà bao che (khoảng 150 - 250 triệu đồng/công trình), thuế giá trị gia tăng, kinh phí dự phòng theo Luật Xây dựng...”.

Như vậy, tại làng cổ Đường Lâm đang diễn ra 2 thái cực, một mặt chính quyền ra sức đổ tiền bảo tồn các ngôi nhà cổ; mặt khác thả cửa cho các công trình mới xây dựng để phá vỡ cảnh quan xung quanh đó. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia bảo tồn di sản và của Hội An (Quảng Nam), hay Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), chỉ cần một tháng nới lỏng quy định đã có thể xóa sổ giá trị của di sản. Với thực tế đang diễn ra ở Đường Lâm như hiện nay, xem ra việc học tập mô hình quản lý “di sản sống” của các địa phương khác còn quá xa vời.