Trăn trở quýt hồng Lai Vung
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, quýt hồng đã gắn bó với nông dân trên địa bàn huyện gần 100 năm qua. Từ năm 2000, diện tích quýt hồng tăng liên tục hằng năm. Đỉnh điểm phát triển từ năm 2010 đến 2016, mỗi năm tăng bình quân gần 100 ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha với sản lượng bình quân khoảng hơn 30.000 tấn, mang lại giá trị gần cả ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, đến năm 2017 dịch bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh tăng vọt về mức độ nên diện tích quýt hồng của huyện giảm liên tục, và còn chưa đầy 200 ha vào năm 2019, nhiều người trồng quýt hồng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2018, huyện Lai Vung có hơn 2.000 ha quýt, trong đó có trên 840 ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30 - 50 tấn trái/ha.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc bảo tồn quýt hồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của tỉnh mà còn là bảo tồn những giá trị cây ăn trái của cả nước.
Theo PGS.TS Nhan Minh Trí - Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong những năm gần đây giá quýt hồng không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm trái cây nhập ngoại vừa phong phú về chủng loại, màu sắc lại bắt mắt.
Bên cạnh đó, quýt hồng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và canh tác. Thời tiết bất lợi khiến màu sắc trái không đẹp, kém bắt mắt. Màu sắc trái cũng bị ảnh hưởng bởi trồng dày. Nông dân đang trồng quýt theo kiểu lấp đầy chỗ trống, không để khoảng cách theo khuyến cáo. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến đất thoái hóa, ảnh hưởng chất lượng trái (ít nước, chua...) và mau hư thối.
Trong khi đó, theo đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam cho hay, cây quýt hồng cho năng suất rất cao (trung bình khoảng 30 - 40 tấn/ha), trái to (trung bình 4 - 5 trái/kg), số lượng hạt/trái nhiều (trung bình > 12 - 18 hạt/trái); độ Brix thấp (8 - 9%), acid tổng số cao (0,9 - 1,1 mg/100 ml dịch trái); trái quýt hồng có vị chua đậm ngọt nhẹ, trái khi chín thường bị chai/sượng... Trước yêu cầu về chất lượng trái ngày càng cao của người tiêu dùng ở cả thị trường ăn tươi lẫn chế biến, chất lượng của giống quýt hồng như hiện tại chưa đáp ứng tiêu chuẩn.
Nhiều yếu tố... may rủi
TS Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tại Sở đang thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên cây quýt hồng Lai Vung. Điển hình như đề tài: Khắc phục hiện tượng khô đầu múi trái quýt; Khắc phục hiện tượng cây bị chết xanh và rạn vỏ quả; Cải thiện phẩm chất trái quýt; Nghiên cứu biện pháp tổng hợp phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây quýt hồng theo hướng bền vững
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Tài, hầu hết kết quả nghiên cứu đều có địa chỉ ứng dụng, nhưng việc nhân rộng mô hình ứng dụng chưa đạt yêu cầu thực tế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Hiệu quả của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học thường có độ trễ, nên khó thuyết phục để đầu tư ứng dụng hoặc không đáp ứng kịp thời đối với diễn biến tình hình dịch bệnh.
''Bên cạnh đó, một số hộ dân còn tâm lý e ngại sợ rủi ro khi đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Công tác phối hợp giữa các đơn vị tiếp nhận triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa chặt chẽ'' - TS Nguyễn Thành Tài cho hay.
"Quýt hồng mỗi năm chỉ cho một vụ Tết, việc chăm sóc kỳ công, lại phó mặc vào sự may rủi vào thời tiết nên bà con tìm đến những cây trồng tiềm năng khác. Ngoài ra, còn bị tổn thất trước thu hoạch do quá trình rụng sinh lý của quýt hồng khiến nhiều nhà vườn không mặn mà. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm nên quýt dễ bị hư, cuốn và lá bị rụng sau khi thu hoạch, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường" - PGS.TS Nhan Minh Trí chia sẻ.
Phát huy giá trị, tiềm năng
PGS.TS Nhan Minh Trí nhấn mạnh, để cây quýt hồng giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đồng quan điểm, Đại diện Viện Cây trồng Miền Nam cho hay, cần chú trọng chuỗi giá trị cây quýt hồng, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt cần được quan tâm và nghiên cứu để thấy được bức tranh tổng thể về ngành, về đa dạng thị trường, bảo quản, phong phú sản phẩm giúp vận chuyển sản phẩm xa, ổn định chất lượng và đầu ra cho trái quýt từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.
Còn theo ông Nguyễn Thành Tài, phát triển cây quýt hồng gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, triển khai nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP của theo đặt hàng. Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chế biến nông sản nhằm phát huy thế mạnh.
Ông Phạm Văn Đầy, xã Long Hậu cho biết, cần nghiên cứu đầu tư về quy trình sản xuất quýt hồng theo hướng hữu cơ sinh học, ứng dụng quy trình IPM, giảm giá thành sản xuất, an toàn, giảm hóa học ứng dụng sinh học. Số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn nữa và tạo điều kiện cho nhà vườn gặp gỡ trao đổi thông tin kinh nghiệm với nhau, cũng như tổ chức những buổi tọa đàm với các nhà khoa học đề có thêm những thông tin kiến thức khoa học mới.