70 năm giải phóng Thủ đô

Bảo vệ môi trường: hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Lê Thị Vân - Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo vệ môi trường là việc không hề đơn giản, nhưng nó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu mỗi người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, cách ứng xử với rác thải… từ những việc nhỏ nhất.

Thủ đô Hà Nội với số dân đứng thứ 2 toàn quốc, những năm qua luôn duy trì sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức, trong đó có vấn đề môi trường.

Đã có nhiều biện pháp được xem xét, đưa ra thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ngoài ô nhiễm không khí, tại Hà Nội còn ô nhiễm nước. Đây đang là vấn đề gây nhức nhối và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ đang dựng pano “Thả cá xin đừng thả túi ni lông”
Cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ đang dựng pano “Thả cá xin đừng thả túi ni lông”

Và để bảo vệ môi trường hồ, đôi khi chỉ hành động nhỏ cũng là góp phần hạn chế ô nhiễm. Biểu ngữ "Thả cá xin đừng thả túi ni lông” là một ví dụ.

Hàng năm, vào ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), người dân hay có phong tục thả cá phóng sinh, việc này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, cân bằng hệ sinh thái ngoài tự nhiên. Vì vậy, sau khi làm lễ xong, người dân thường đem cá thả ra sông, hồ để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Đồng thời với việc thả cá phóng sinh xuống sông, hồ cũng luôn kèm theo một lượng lớn túi ni lông. Hành động này không chỉ làm xấu đi nét đẹp văn hóa lâu nay của người dân Việt Nam, mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan các sông, hồ - một trong những lá phổi của Thủ đô.

Nhằm hạn chế tình trạng này, từ nhiều năm trước, đơn vị Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã là đơn vị được giao quản lý 81 hồ (trong đó 24 hồ có trạm bơm điều tiết mực nước) với nhiệm vụ chính là điều tiết duy trì mực nước, vận hành bơm, mở cửa phai trên các hồ để giảm thiểu sự úng ngập cho những tuyến phố, và duy trì thu gom rác, chống lấn chiếm vi phạm trên các hồ.

Người dân sau khi thả cá phóng sinh đã bỏ túi ni lông vào đúng nơi quy định.
Người dân sau khi thả cá phóng sinh đã bỏ túi ni lông vào đúng nơi quy định.

Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác chống úng ngập của thành phố. Hiện nay, ý thức người dân nói chung đã nâng cao, tuy nhiên vì nhiều lý do nên túi ni lông và nhiều vật dụng gây ô nhiễm môi trường vẫn xuất hiện. Do vậy, hàng năm, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ đều phát động chiến dịch “Thả cá không thả túi ni lông“ vào ngày ông Công, ông Táo để tuyên truyền kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi xuống hồ.

Tại các hồ do Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ đều lắp đặt những tấm pano tuyên truyền “Thả cá, không thả túi ni lông” và phối hợp với UBND, Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ các phường trên địa bàn thành phố triển khai chiến dịch nêu trên, kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi xuống hồ. 

Công nhân Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ vớt rác trên mặt hồ.
Công nhân Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ vớt rác trên mặt hồ.

Và trên mỗi hồ đều có các công nhân của Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ luôn ứng trực để vớt rác, hướng dẫn cho người dân thả cá xong sẽ cho túi ni lông vào trong thùng rác đã trang bị sẵn trên hồ. Thông qua chiến dịch này, số lượng túi ni lông thải ra hồ trong ngày ông Công, ông Táo những năm gần đây đã giảm được đến 70%. Và cùng với đó, công việc của những người công nhân trên hồ đỡ vất vả hơn.

Ngoài ra, hàng năm, tại các hồ trên địa bàn do Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ quản lý luôn có các hoạt động cộng đồng điển hình như phối hợp với Hội yêu rác nhặt rác, duy trì bờ cơ, đường dạo, mặt hồ và phối hợp với UBND, Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ của các phường ra quân thu dọn vệ sinh mặt hồ.

Hoạt động này đã mang lại những tác động tích cực đến môi trường và cảnh quan đô thị của nhiều quận nội đô và các huyện, lan tỏa tình yêu với môi trường tới mọi người. Tuy vậy, chỉ khi nào các chương trình bảo vệ môi trường có sự tham dự của mọi tầng lớp Nhân dân thì mới đem lại hiệu quả bền vững. Từ đó, góp thêm phần xây dựng một Hà Nội văn minh - xanh - sạch - đẹp.