Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp: Hướng đến mô hình phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chất lượng môi trường ở nhiều khu công nghiệp (KCN) đang xuống cấp nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức.

Đã đến lúc cần nhìn nhận lại và thay đổi tư duy phát triển chuyển sang mô hình phát triển mới, có tính bền vững hơn. Đây là nhận định của lãnh đạo Bộ TN&MT tại Hội nghị quốc gia về đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
 
Môi trường xuống cấp, vi phạm tinh vi

Mặc dù đã đánh giá cao những thành tựu trong công tác bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, nhưng PGS. TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư vẫn cho rằng: Các nguồn nước hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các ao hồ, các dòng sông chảy qua các đô thị lớn, các KCN. Công tác bảo vệ môi trường KCN về tổng thể chưa đáp ứng được các yêu cầu, các hành vi vi phạm môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, KCN, lưu vực sông… ngày một gia tăng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. "Điển hình là vụ xả thải ra sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan bị phát hiện năm 2008. Bên cạnh đó, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch; tình trạng vi phạm pháp luật môi trường trong các dự án này diễn biến hết sức nghiêm trọng, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên" - PGS. TS Phạm Văn Linh dẫn chứng.

Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự, nhận xét, nhiều năm qua, các nhà đầu tư hầu như chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế, ít quan tâm đến đầu tư các hạng mục công trình xử lý để bảo vệ môi trường, kể cả tình trạng xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước, chậm triển khai thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Đa số các dự án sau khi có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường không xây dựng các công trình xử lý môi trường, hoặc xây dựng với hình thức đối phó không theo quy định và theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 
Chú trọng phát triển kinh tế xanh

Đại diện tỉnh Bắc Ninh đề xuất, xây dựng các KCN theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, trước hết phải tăng cường công tác quản lý môi trường trong các KCN theo quy định của pháp luật. Đối với các KCN đã thành lập và đang hoạt động, phải hoàn thành hệ thông thu gom và xử lý nước thải. Đối với các KCN mới, chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Các KCN Bắc Ninh đã và đang đi theo hướng phát triển. Với KCN Thăng Long (Hà Nội), công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và trồng cây xanh xung quanh KCN. Khi tiếp nhận, các nhà đầu tư vào thuê đất, KCN Thăng Long đã đưa ra quy định các chỉ tiêu bắt buộc về tiêu chuẩn nước thải, nước sinh hoạt, khí, tiếng ồn, độ bụi… trước khi đấu nối vào hệ thống chung của KCN.

Theo nhiều chuyên gia, cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm ngặt lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm.

Hướng đến mô hình phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đề xuất trồng cây xanh phân tán trong các khu vực phát triển đô thị, trong các KCN; đầu tư các công trình xử lý chất thải ở các KCN, bệnh viện, đô thị… đảm bảo chất thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, các KCN chỉ được đưa vào hoạt động khi có khu xử lý nước thải hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, kiên quyết di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng kêu gọi các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung vai góp sức với Bộ TN&MT ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.