Cùng nhau làm sạch môi trường Phát biểu khai mạc Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là hoạt động thường niên được Việt Nam tổ chức từ năm 1982 đến nay, theo sự phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) - Nó đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước. “Năm nay, Bộ TN&MT đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách thiết thực, hiệu quả. Tăng cường các hoạt động cụ thể có sự tham gia của cộng đồng, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách tại các địa phương” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng căn dặn các cháu nhi đồng về bảo vệ môi trường |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, với chủ đề: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” - Thông điệp của Ngày môi trường Thế giới năm nay hướng tới hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng, ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên Thế giới. Ở Việt Nam, thiên tai, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, các lưu vực sông và nhiều sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân. Để giải quyết một cách tổng thể, căn bản vấn đề môi trường, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật triển khai các chương trình, nhiệm vụ cụ thể để ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm. Đã có nhiều sáng kiến, phong trào hành động cụ thể của từng tổ chức, cá nhân nhằm chung tay giải quyết những vấn đề môi trường ở các địa phương. Tuy nhiên công cuộc bảo vệ môi trường không thể giải quyết được một sớm một chiều mà cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong cả quá trình lâu dài. Ngày Môi trường Thế giới năm nay là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhìn lại sự quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cơ hội lớn để chúng ta cùng nhau quyết tâm, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngăn chặn đẩy lùi các hiểm họa về môi trường, sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trong đêm khai mạc |
Những nhiệm vụ trước mắt Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sát sao và đã cụ thể hóa tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ… Hiện nay, các cấp, các ngành đã từng bước nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường từng bước được hoàn thiện; các vấn đề môi trường bức xúc đang từng bước được giải quyết hiệu quả. “Tất cả chúng ta, những người dân Việt Nam luôn tâm niệm rằng bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là cả thế hệ mai sau, con, cháu của chúng ta. Vì vậy, hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, thiết thực và gần gũi nhất” - Phó Thủ tướng kêu gọi.
Hoạt cảnh “Mẹ thiên nhiên” trong đêm khai mạc |
Để “Tháng hành động vì môi trường” diễn ra có hiệu quả, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nhiệm vụ như: Rà soát lại công tác quản lý Nhà nước về môi trường. Đánh giá những điểm làm được, chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại về cơ chế, thể chế và pháp luật; trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp đồng bộ nhằm kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường, bao gồm cả thể chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực. Các Bộ, ngành và địa phương luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Coi môi trường là trụ cột bình đẳng với phát triển kinh tế. Tránh mọi biểu hiện và quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường - Kể cả biện pháp xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật môi trường một cách có hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng. Tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư cần nâng cao vai trò giám sát trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường....