Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ thầy, cô giáo: Bắt đầu từ chính nhà trường

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, xúc phạm nhân phẩm danh dự nhà giáo khiến dư luận xã hội bức xúc, thầy, cô bất an.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo T.Ư Đặng Lộc Thọ 
Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo T.Ư Đặng Lộc Thọ cho rằng, bảo vệ người thầy phải bắt đầu từ chính nhà trường.
Giáo viên phải có nhận thức và hành động đúng

Sau những vụ phụ huynh, học sinh bạo hành thầy cô giáo, lại đến sự việc cô giáo dạy Toán ở TP Hồ Chí Minh “không nói trên lớp suốt một học kỳ”. Cô giáo đã có giải trình về vấn đề này, nhưng theo ông, nguyên nhân bắt đầu từ đâu?

- Chúng tôi cho rằng, việc cô giáo lên lớp nhưng không nói bắt nguồn từ ý thức nghề nghiệp của giáo viên chưa đầy đủ. Trước tiên giáo viên phải thực hiện đầy đủ quy định nghề nghiệp. Những hành động như, đối với mầm non là đánh trẻ, cấp học phổ thông là phạt trẻ bằng nhiều hình thức hay phản ứng lại bằng cách "im lặng khi lên lớp", chỉ viết lên bảng và cung cấp tài liệu cho học sinh thì tôi cho rằng giáo viên chưa làm đúng chức trách và nhiệm vụ của mình. Vì thế, để không còn những sự việc tương tự xảy ra, đầu tiên, các cơ sở giáo dục luôn làm tốt công tác tư tưởng, kiểm tra, đánh giá giáo viên.

Trước những sự việc phụ huynh, học sinh làm nhục giáo viên trong thời gian qua như ép cô giáo quỳ, đánh gãy sống mũi thầy giáo, làm thế nào để nhà giáo được bảo vệ, thưa ông?

- Trước tiên tôi nghĩ, bản thân người giáo viên đó phải có nhận thức và hành động đúng. Mặc dù tôi rất thông cảm với cô giáo bị ép quỳ vì sợ mất việc làm, nhưng nếu giáo viên đó có nhận thức đầy đủ thì hành động sẽ phù hợp hơn. Thứ hai, phải phát huy được vai trò quản lý của các lực lượng khác trong nhà trường như đồng nghiệp, hội phụ huynh để có thể bảo vệ được giáo viên.
Trong vụ giáo viên bị bắt quỳ gối, từng có thời gian làm quản lý trường THPT, tôi thấy lỗi đó thuộc về người hiệu trưởng. Nếu ngay lúc đó, hiệu trưởng xử lý tình huống phù hợp hơn thì không xảy ra chuyện. Từ lỗi của hiệu trưởng dẫn đến hành động phản cảm của cô giáo, làm xấu đi hình ảnh của người thầy trước mắt phụ huynh và xã hội. Đương nhiên, cô giáo đó có lỗi vì không thực hiện đúng chức trách của người giáo viên. Cho nên, vai trò quản lý trong các nhà trường là yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng.

Chúng ta cũng thấy ngay được yếu tố thứ ba nhưng lâu nay chưa chú trọng, đó là lực lượng bảo vệ. Các trường được ký hợp đồng tuyển nhân viên bảo vệ nhưng vì vị trí này không nằm trong biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên tiêu chuẩn không rõ. Nhiều nơi bảo vệ là các bác lớn tuổi, đã về hưu, sức khỏe yếu, đồng ý đi làm với mức lương thấp và họ thiếu trách nhiệm việc đảm bảo an ninh trong trường học.

Tác động từ cơ chế thị trường

Như vậy, để xảy ra sự việc giáo viên bị xúc phạm hay chính nhà giáo có những hành động không đúng đối với học sinh là do họ chưa được chú trọng rèn luyện phẩm chất?

- Thực ra, trong chương trình đào tạo giáo viên đều có học phần rèn luyện sư phạm thường xuyên trong suốt quá trình từ lúc sinh viên vào học đến khi ra trường. Tuy nhiên, ở mỗi trường sư phạm lại có sự quan tâm chú ý khác nhau nên khi giáo sinh học, rèn luyện chỉ đạt được mức độ nhất định. Và, trong sự hỗ trợ kết nối giữa chỉ đạo của nhà trường và sinh viên chính là giảng viên khi tổ chức đánh giá với người học đã thực hiện trách nhiệm của mình ở mức độ nào.

Từ xưa đến nay, thầy giáo luôn được nhân dân kính trọng, thậm chí nhiều phụ huynh còn “trăm sự nhờ thầy” để dạy bảo con cái giúp mình. Nhưng để xảy ra sự việc giáo viên bị quỳ gối hay học sinh bóp cổ cô giáo là hành động không thể chấp nhận. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Trước tiên phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là về phía ngành giáo dục nói chung và từng giáo viên nói riêng cần thấy mình có những việc làm chưa đúng mực dẫn đến việc đánh mất lòng tin đối với phụ huynh và xã hội. Thứ hai, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường, mặc dù có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng nó đã có tác động đến nhận thức của mọi người nói chung, trong đó có phụ huynh. Không ít phụ huynh cho rằng, mình bỏ đồng tiền ra cho con đi học thì được quyền đòi hỏi điều này, điều kia, dẫn đến cách ứng xử “không thể chấp nhận được”. Nhưng cũng phải thông cảm, có những trường hợp phụ huynh do trạng thái tâm lý mất bình tĩnh dẫn đến quá khích, trong khi đó lại không có người can gián kịp thời. Vì thiếu sự ngăn chặn kịp thời, nên đã xảy ra những điều ngoài mong muốn, khiến dư luận lên án.

Tuyển lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp

Thưa ông, trong câu chuyện chúng ta đang nói thì các em học sinh là nhân vật trung tâm. Khi học sinh bị phạt, các em nên có phản ứng gì để thầy, cô thay đổi hoặc có những hành động đúng mực?

- Trước tiên, các nhà trường rất cần có những hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiệu quả hơn để các em biết được mình có những quyền gì. Khi học sinh biết được quyền của mình, các em sẽ có ứng xử phù hợp hơn. Nếu giáo viên có các hành vi chưa đúng mà học sinh phản ứng thái quá hoặc không im lặng do sợ sệt thì các em chưa nắm hết được quyền của mình trong nhà trường. Như vậy, học sinh cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng để có ứng xử cho phù hợp trong mọi tình huống. Hiện nay, học sinh chưa nhận thức đầy đủ và chưa hiểu được hết quyền của mình. Có em lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý từ phụ huynh, rằng, mình đi học đã được bố mẹ đóng tiền nên mình là chủ thể có quyền. Vì thế, trong các nhà trường phải chú trọng làm công tác giáo dục nhận thức cho trẻ. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều giáo viên, nhà trường nặng về truyền thụ kiến thức mà chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho người học.

Làm sao để người giáo viên yên tâm đứng lớp truyền thụ kiến thức và kỹ năng cho học trò, thưa ông?

- Trước tiên nhà trường nên chú trọng hơn công tác bảo vệ nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong trường học. Nhà trường quan tâm hơn nữa để tuyển dụng lực lượng bảo vệ có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. khi có tình huống xẩu xảy ra, phải phát hiện, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, công tác này cần sự phối hợp, chung tay của toàn xã hội. Sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, chính quyền địa phương và đặc biệt là phụ huynh là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, những vụ bắt cô giáo quỳ trong lớp, hay cô giáo "im lặng, không giảng bài suốt một học kỳ" không phải xảy ra ngay tức khắc mà là cả quá trình. Nếu được phát hiện, can thiệp kịp thời sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc như đã nêu trên khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án.

Xin cảm ơn ông!
 GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam

GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam: Bộ GD&ĐT cần phải hành động

Để lấy lại niềm tin của nhà giáo, để trường học trở về đúng nghĩa là môi trường nhân văn nhất, Bộ GD&ĐT không chỉ lên tiếng, nói suông, mà cần hành động, đưa ra các quy định, giải pháp để siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh trong trường học.

Trước tiên cần quán triệt, yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục học sinh. Tiếp đó, cần có những quy định, cơ chế bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo.

Đồng thời cần tuyên truyền để mỗi phụ huynh thấy việc dùng bạo lực để dạy dỗ con trẻ thì người tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất chính là con cái của chính họ, khi phải lớn lên trong môi trường “lệch chuẩn” về đạo đức và nhân cách.


 TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội: Người thầy trước tiên phải làm đúng

Theo tôi, để người thầy được bảo vệ thì cần có ba thứ phải làm. Thứ nhất, bản thân thầy cô giáo phải có đạo đức; nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và phải luôn tôn trọng, thương yêu học sinh.

Thứ hai, về phía nhà trường, thầy cô và cả phụ huynh, học sinh phải thực hiện đúng văn hóa ứng xử theo quy định ở trong nhà trường.

Thứ ba, phụ huynh phải nêu cao đạo đức, tôn sư trọng đạo, phối hợp cùng nhà trường để dạy bảo con em mình. Chứ không phải, nghe con nói bị giáo viên phạt, phụ huynh chưa hiểu đầu đuôi thế nào đã chạy xồng xộc đến mà đánh đập, xúc phạm nhân phẩm thầy cô.