Đó là nhận định của đa số ý kiến tại cuộc tọa đàm "Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam" do Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 8/11 tại Hà Nội.
Mới bảo hộ được… 10%
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao khi chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký từ năm 2010. Trước đó, hoàng loạt nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… cũng bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước. Những sự việc trên đã dấy lên quan ngại trong dư luận về vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản của Việt Nam. Một ví dụ cụ thể, đặc sản vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 nhưng cho đến nay thương hiệu vải Thanh Hà vẫn còn "đuối sức" trên thị trường. Ông Lê Thanh Bình, Bí thư huyện ủy Thanh Hà cho biết, mặc dù đã thành lập được Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nhưng rất ít người dân quan tâm. Gần 4 năm nay hiệp hội mới có 350 hội viên, quản lý 49ha trên tổng số hơn 5.000ha vải của huyện (chưa được 1%), còn lại hầu hết sản lượng vải bán cho thương lái Trung Quốc.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, đối với các nông sản nổi tiếng, chúng ta mới chỉ đặt được nền móng ban đầu là đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực chất chưa làm được bao nhiêu. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng, trong đó mới có 59 nhãn hiệu tập thể (chiếm 7,3%), 12 nhãn hiệu chứng nhận (1,5%), 24 chỉ dẫn địa lý (3%) được đăng ký bảo hộ.
Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ, việc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản nổi tiếng của chúng ta bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký sẽ gây nguy cơ mất thị trường, mạng lưới phân phối và bạn hàng. Cùng với đó, danh tiếng, uy tín của nông sản Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do sản phẩm mang nhãn hiệu đó không được chúng ta quản lý và phát triển. "Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn, việc thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập doanh nghiệp và người nông dân" - ông Minh bày tỏ.
Người dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho nông sản Việt trở nên vô cùng quan trọng. Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, để tránh nguy cơ thương hiệu nông sản nổi tiếng của chúng ta bị mất hoặc bị xâm hại, đòi hỏi từng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản đó phải có ý thức chủ động xác định thị trường truyền thống để tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về tầm quan trọng của thương hiệu để có sự gắn kết, chung tay xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản của địa phương mình. Ông Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, muốn giữ được thương hiệu, cần xây dựng hệ thống phân phối, quảng bá, thị trường và các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản ở nước ngoài cần làm tập trung có trọng tâm, tránh làm theo phong trào.
Vấn đề thương hiệu không chỉ là việc chúng ta đã đăng ký để được bảo hộ mà làm thế nào để trở thành thương hiệu có uy tín. Muốn vậy, phải giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều đó, Nhà nước và chính quyền các cấp phải vào cuộc cùng với người nông dân. Ông Đỗ Gia Phan Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |