Bảo vệ trẻ em phải từ cơ sở

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những vụ việc: Bé gái 3 tuổi (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nghi bị bạo hành 9 đinh ghim vào đầu; bé 8 tuổi (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị người tình của cha đánh đập đến tử vong...

Trước đó, đã có nhiều vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại đã được phản ánh. Và rất có thể có rất nhiều vụ trẻ bị bạo hành nghiêm trọng, chưa được phát hiện. Điều này càng cho thấy rõ hơn lỗ hổng trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, đã được các chuyên gia bảo vệ trẻ em chỉ ra.

Đầu tiên, có thể thấy, ý thức về quyền và trách nhiệm chăm sóc con cái và bảo vệ trẻ em của nhiều gia đình còn kém là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” khiến nhiều bố mẹ tự cho mình quyền dạy dỗ con cái bằng bạo lực. Họ biện minh “con hư thì phải dạy”, “con tôi sinh ra, tôi có quyền đánh”.

Một nguyên nhân nữa khiến trẻ em bị bạo hành, đó là hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở nước ta còn mỏng, yếu và chưa có sự thống nhất, liên kết chặt chẽ. Công tác dự phòng, tuyên truyền giáo dục, phát hiện và can thiệp kịp sớm của địa phương chưa được triển khai đầy đủ; vì thế có nhiều vụ việc đều do báo chí phát hiện, phanh phui. Và, khi sự việc đã xảy ra, các em bị bạo hành, lạm dụng rồi thì các cơ quan chức năng mới biết mà xử lý mà vào cuộc.

Vụ việc bé gái 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng vậy, chỉ tới khi bệnh viện trình báo thì chính quyền địa phương và cơ quan công an mới biết để điều tra. Hơn nữa, hiện nay các quy định về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương xảy ra vụ việc cũng chưa rõ ràng và cụ thể. Chính quyền địa phương vẫn coi dạy con là việc riêng của mỗi gia đình, khi có sự việc xảy ra thì rất lúng túng giải quyết.

Người đứng đầu Cục Trẻ em – Bộ LĐTB&XH khẳng định, pháp luật, chính sách Nhà nước về bảo vệ trẻ em khá đồng bộ. Tuy nhiên muốn phòng ngừa, ngăn ngừa xâm hại trẻ em, không thể không có những người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã và mạng lưới bảo vệ trẻ em. Luật Trẻ em quy định, cần phải có hệ thống bảo vệ trẻ em ở cấp xã, người đó phải có đủ năng lực, thời gian, kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, xâm hại trẻ em. Và, về lâu dài, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp cơ sở phải là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Chính quyền địa phương cũng phải phân bổ ngân sách để hệ thống bảo vệ trẻ em và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả.

Nghiên cứu của những người công tác ở văn phòng luật sư đã chỉ ra, những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo khó, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và trẻ em sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc trẻ em bị khuyết tật dễ bị bạo hành, xâm hại. Đây là những trẻ em thuộc nhóm yếu thế, có nguy cơ bạo hành, bị xâm hại cao, rất cần phải được xã hội quan tâm, giúp đỡ, bảo vệ.

Vì thế, rất cần phải có những thống kê, lên danh sách và giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em đối với những trẻ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao. Với những vụ việc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giảm thiểu những rủi ro cho trẻ em. Đồng thời cần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa để các em được sống trong môi trường an toàn.