Ở trận đấu đó, Hà Nội T&T đã có một hiệp đầu quyến rũ. Họ thi đấu lấn lướt, áp đảo và nhanh chóng có được 2 bàn thắng vào lưới HAGL trong sự bất lực của dàn sao trẻ. Ấy vậy mà trong hiệp 2, các cầu thủ HAGL đã ghi một mạch… 3 bàn thắng để giành thắng lợi chung cuộc với tỷ số 3 – 2! Kết thúc trận đấu, cầu thủ hai đội lao vào nhau như muốn ăn thua đủ. Nhưng, những cái đầu nóng ấy chẳng thể là tâm điểm của dư luận, bởi tất cả đều đau đáu với câu hỏi, vì sao một đội bóng đang thi đấu tưng bừng lại mất lửa để đối phương thắng ngược?
Và ở vòng 16 vừa qua, Hà Nội T&T lại hành quân đến Pleiku với phong độ cực tốt; trong khi đội chủ nhà tiếp tục có phong độ tệ hại và đang đứng trước nguy cơ phải dự trận play-off. Và, bất ngờ lại diễn ra, một Hà Nội T&T hào nhoáng bỗng nhiên xấu xí khi đối diện với HAGL. Đội bóng của bầu Hiển lại thua không phải vì đối thủ quá mạnh mà bởi họ chẳng còn là chính mình. Năm trước, Hà Nội T&T đổ lỗi cho các trọng tài không điều hành tốt trận đấu khiến mình thất bại. Năm nay cũng vậy, sau trận thua đáng thất vọng, một số cầu thủ trụ cột đã nhắm đến trọng tài… Nhưng với những người am hiểu bóng đá thì việc Hà Nội T&T thất bại trước HAGL không có lỗi của trọng tài. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, trọng tài chỉ là cái cớ để người ta lảng tránh đi vào bản chất vấn đề là Hà Nội T&T đã có một trận cầu đáng thất vọng. Dư luận đang gióng lên hồi chuông báo động về việc V-League đang có những dấu hiệu khiến người trong cuộc, dư luận và cơ quan quản lý bất an. Nói cách khác, cuộc chơi càng về cuối càng có nhiều rủi ro khi mà nhiều đội bóng vốn đã hoàn thành chỉ tiêu sẽ không mặn mà với việc duy trì công tác quản lý cũng như hình ảnh của mình. Thế nên, ngay cả khi VFF cảm thấy bất an đã ra chỉ đạo cho Ban tổ chức giải, các đội bóng phải đề cao công tác chống tiêu cực thì vấn đề mấu chốt cũng không được giải quyết. VFF thì luôn mong muốn cuộc chơi không bị tác động bởi yếu tố hậu trường. Các đội bóng cũng lớn tiếng đòi hỏi được tham dự một cuộc chơi minh bạch, công bằng từ công tác điều hành đến công tác trọng tài. Nhưng, như đã nói, bản chất vấn đề những rủi ro của nền bóng đá đang đối diện không chỉ đến từ trọng tài, mà cội rễ chính là người trong cuộc có quyết tâm bảo vệ giải đấu hay không? Một khi các đội bóng quản lý chặt cầu thủ, không chấp nhận sống chung với tiêu cực, móc ngoặc, xin - cho thì chắc chắn những yếu tố có thể tác động lên kết quả các trận đấu sẽ được giảm thiểu đến triệt tiêu.
Một pha tranh bóng trong trận đấu HAGL gặp Hà Nội T&T |