Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bật bông” Trát Cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giới thiệu tới bạn đọc những nghề truyền thống và nghề mới phát triển của Thủ đô, Báo Kinh tế & Đô thị mở chuyên mục "Làng nghề - Phố nghề" trên Trang quận huyện vào thứ Sáu hàng tuần. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Là một làng nghề truyền thống có tuổi đời ngót nghét 500 - 600 năm, thế nhưng về với "làng bật bông" Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín hôm nay, thì không thể tìm ra ở đây một nét "cổ", bởi sự đổi thay.

Công phu một nghề

Chỉ mới đến đầu làng đã nghe tiếng máy dệt, máy may nhịp nhàng. Mọi con đường đều được trải bê tông, thuận tiện cho xe ô tô cỡ nhỏ và vừa vào làng vận chuyển hàng hóa. Tất cả giống như một bản hòa ca về nhịp sống bận rộn của những ngày cuối năm. Trước khung cảnh ấy, không ai có thể nghĩ  tuổi nghề của làng lại "cao" như vậy.
Đóng gói sản phẩm của một cơ sở sản xuất tại làng nghề Trát Cầu
Đóng gói sản phẩm của một cơ sở sản xuất tại làng nghề Trát Cầu
Làng Trát Cầu xưa nổi danh với nghề làm bông, len thủ công. Người Trát Cầu với cây sa cán trong tay, đi khắp Bắc - Trung - Nam, tự sống bằng nghề bật bông. Để làm được một chiếc chăn bông hoàn chỉnh đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ từ bàn tay tài hoa của người thợ. Đầu tiên phải dùng hai máy quay tay để tách bông, tạo những tựa bông trắng và xốp. Sau đó dùng sa cán và dây cung bật cho bông tơi dài và trắng. Khi đã tựa được bông như ý, người thợ tiếp tục dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng tùy theo kích thước rồi gấp bìa cho chăn vuông vắn. Lải xong, tiến hành "teng" mặt cho lớp bông tơ bên trên thật mịn và xốp, nhằm giữ hơi ấm khi sử dụng. Sau khi hoàn thành quá trình làm bông thì tiếp tục dùng sợi để mạng thành bốn cấp khác nhau. Quá trình này đòi hỏi phải có kỹ thuật thành thạo và khéo léo để cho mền bông đều, chắc khi sử dụng không bị dãn hoặc bông vón cụm lại. Tiếp đến dùng bàn xoa bằng gỗ da du có mặt hơi gai để ngọn bông quyện với sợi mạng. Công đoạn cuối cùng là khâu lồng vỏ, trước khi sử dụng phải tiến hành trần theo lối quả trám hoặc theo các họa tiết trang trí để chăn bền đẹp.
Trung bình mỗi ngày hai thợ cùng làm chỉ được 1 - 2 sản phẩm. Từ sau năm 1945, với đôi tay tài hoa, người dân Trát Cầu đã tìm hướng đi mới cho làng nghề. Đó là việc cải tiến những máy dệt bao tải của Nhật để lại, tạo thành những chiếc máy làm chăn gối mà chỉ riêng Trát Cầu mới có. Có máy móc phụ trợ, năng suất tăng gấp 2 - 3 lần so với lao động thủ công, số lượng hàng hóa cũng đủ cung cấp cho  thị trường từ Bắc tới Nam.
 Đổi thay và phát triển

Những sản phẩm bông - len thủ công trước đây tại Trát Cầu  nay đã được thay bằng chăn - ga - gối - đệm - rèm cửa với chất liệu mới, hiện đại phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Bà Nguyễn Phương Ly - một chủ hộ kinh doanh cho chúng tôi xem những mẫu mã mà gia đình sản xuất.  Cơ sở này chuyên sản xuất những sản phẩm nhẹ như vỏ gối, drap đơn chứ không phải các sản phẩm trần bông. Những sản phẩm có đủ loại từ cao cấp tới bình dân, giá cả dao động từ vài chục ngàn cho tới hàng trăm ngàn đồng một bộ đủ chăn - ga - gối. Ngoài các sản phẩm ấy, làng Trát Cầu còn sản xuất thêm cả rèm cửa, màn và đệm. Tất cả đều được làm từ máy móc hiện đại, mẫu mã đa dạng và giá thành cạnh tranh.

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, cả làng có đến 80% hộ gia đình có máy móc sản xuất tại nhà, có hơn 40 máy công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi máy có giá thành từ 500 - 700 triệu đồng. Sản phẩm làm ra không thua kém những mặt hàng đang có mặt trên thị trường. Theo ông Minh, trước đây làng chỉ làm chăn bông - len nên thu nhập thấp, đời sống bà con còn vất vả. Từ khi có máy móc, một ngày một dàn máy với bốn thợ làm có thể cho ra được 90 - 100 chăn/ngày, giá thành dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/chăn nên đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Sản phẩm ở đây được ưa chuộng vì giá thành phải chăng, nhưng chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường do không có thương hiệu. Một số hộ quy mô sản xuất lớn có đăng ký thương hiệu nhưng lại na ná tên những sản phẩm đã có mặt trên thị trường nên rất dễ bị nghi là hàng nhái. Điều đáng tiếc, hiện nay, ở Tiền Phong chưa có Hiệp hội làng nghề để có thể đảm bảo hai chữ "Thương hiệu" cho sản phẩm. Đây cũng là mong muốn của chính quyền địa phương và của những hộ làm nghề. Huyện Thường Tín cũng đã có những kế hoạch hỗ trợ Trát Cầu, xây dựng khu công nghiệp để phát triển những thương hiệu có tầm cỡ , giúp sản phẩm Trát Cầu có thể tới gần thị trường và người tiêu dùng hơn.

Có lẽ, Trát Cầu là một trong những làng nghề hiếm hoi còn phát triển trong khi những làng nghề thủ công khác đang dần mai một dẫu phía trước còn không ít khó khăn…