Tuy nhiên, tình hình TNGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các nút giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh.
Nhức nhối tai nạn đường sắt
Hà Nội hiện có 7 tuyến đường sắt đi đến các tỉnh với chiều dài 159,5km, có một ga trung tâm là Ga Hà Nội và 21 ga lẻ ở các huyện ngoại thành. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trên địa bàn TP có tới 584 đường ngang giao cắt với đường sắt, trong đó 181 vị trí có người gác và rào chắn hoặc đèn tín hiệu, còn tới 403 vị trí do địa phương hoặc người dân sinh sống hai bên đường tự mở, không có rào chắn, đèn tín hiệu. Hầu hết các đường ngang đều có tầm nhìn hạn chế, độ dốc lại quá lớn so với quy định, vì vậy tại các điểm giao cắt này thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, thời gian gần đây tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đang có chiều hướng tăng trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tính đến hết tháng 9/2015, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 31 vụ TNGT đường sắt làm 24 người chết, 13 người bị thương và tăng 3 người chết, tăng 9 bị thương so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân dẫn đến gia tăng TNGT đường sắt được Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hà Nội chỉ ra là do tốc độ đô thị hóa nhanh, lưu lượng người tham gia giao thông đông trên đường bộ qua các điểm giao cắt với đường sắt lớn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; một số đường sắt đi qua khu dân cư, tình trạng chợ cóc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt gây khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt còn hạn chế, nội dung nghèo nàn, chưa thực sự sâu rộng đến người dân. Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý hành chính về trật tự ATGT đường sắt giữa các đơn vị chậm, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, dẫn đến những việc sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, các hộ dân và các DN dọc tuyến đường sắt lại tiếp tục vi phạm.
Bên cạnh đó còn một nguyên nhân khác dẫn đến những vụ TNGT đường sắt đau lòng là do ý thức của người tham gia giao thông, bất chấp quy định khi tham gia lưu thông trên đường. Đây là vấn đề nhức nhối và được cảnh báo từ lâu, song với hạ tầng đường sắt như hiện nay, việc hạn chế các vụ TNGT vẫn rất khó. Tại vị trí các đường ngang dân sinh do người dân địa phương tự mở, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để do người dân tự ý tháo dỡ để lấy lối đi lại, khiến gia tăng tai nạn đường sắt trong thời gian qua. Ở nhiều đường ngang giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, tầm nhìn bị hạn chế, không có rào chắn luôn là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tại nhiều đường ngang có biển báo, người gác, rào chắn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT do người dân không chấp hành hiệu lệnh.
Giải pháp thế nào cho đúng?
Để từng bước kéo giảm tiến tới ngăn chặn TNGT đường sắt về lâu dài, ngành đường sắt cần phối hợp cùng các hộ sinh sống ở khu vực đường ray cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Với những đường ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, bên cạnh tuyên truyền cho người tham giao thông tuân thủ các quy tắc an toàn khi vượt đường sắt, phải rà soát lại, cắm biển báo phù hợp, giải tỏa góc khuất để bảo đảm tầm nhìn, hạ thấp độ dốc các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt... Cùng với đó, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm với những trường hợp người tham gia giao thông cố tình vi phạm. Khi hệ thống đường gom, hạ tầng đường sắt được đầu tư đồng bộ, cộng với ý thức người tham gia giao thông nâng lên, hy vọng sẽ không còn xảy ra những tai nạn thương tâm khi đi qua đường ngang.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cùng với Sở QH - KT và các sở, ngành liên quan cần nhanh chóng tổ chức khảo sát, lắp đặt rào chắn, chuông, đèn, biển báo tại một số đường ngang bất hợp lý trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, cần lắp rào chắn Barie và biển báo hiệu tại các đường ngang. Tại đường ngang đã có gác chắn cần vẽ thêm vạch sơn mấp mô, giảm tốc; giải tỏa hành lang ATGT đường sắt từ ga Yên Viên đến đường ngang vào thôn Văn; mở rộng đường tại đường Ngô Xuân Quảng, lắp rào chắn hai đầu cầu (xã Tả Thanh Oai – Hữu Hòa) để dành riêng cho tàu hỏa, không có người và phương tiện giao thông đường bộ qua lại. Xóa bỏ đường ngang dân sinh tự mở.
Ngoài ra, Công an TP cần thường xuyên phối hợp với ngành đường sắt để hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nội quy, quy chế về an ninh, an toàn cơ quan, xí nghiệp, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ đường sắt. Xử lý hành chính “mạnh tay”, kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt, vi phạm đường ngang, bảo vệ an toàn các công trình đường sắt.
Giải pháp xây dựng đường đôi, đồng thời đổi đường sắt khổ lớn hơn nằm trong chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2020 tầm nhìn 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt cũng được đại đa số người dân Thủ đô tin tưởng sẽ là lời giải cho bài toán TNGT đường sắt trong tương lai.
Nút giao thông Lê Duẩn - Giải Phóng. Ảnh: Công Hùng
|