Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản cho thuê Hà Nội ngược chiều TP HCM

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thuê văn phòng của tất cả các hạng tại Hà Nội đều giảm trong quý 3/2015, trong khi nhà mặt phố dường như lại đang lên ngôi với tình trạng tăng giá thuê và “cháy hàng” tại một số khu vực trung tâm.

Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản Hà Nội và TP HCM của Savills Việt Nam công bố ngày 8/10, trong bối cảnh nền kinh tế đang đà hồi phục thì mảng văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ lại có diễn biến trái chiều.

Tại Hà Nội, trong quý 3/2015, tổng diện tích cho thuê toàn thị trường đạt khoảng 1,5 triệu m2, tăng 0,2% so với quý trước. Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt khoảng 395.000 đồng/m2, giảm 0,6% theo quý và 0,3% theo năm.

Đáng chú ý, giá thuê trung bình của tất cả các hạng đều giảm, trong đó hạng A giảm 0,9%, hạng B và hạng C giảm lần lượt là 0,3% và 0,2%.

Tuy nhiên, nếu tính theo công suất cho thuê trung bình thì quý 3 được xem là có cải thiện khi tăng nhẹ khoảng 3% theo quý.
Công suất cho thuê tại các trung tâm mua sắm ở Hà Nội và Tp.HCM đều có kết quả không tốt trong quý 3/2015.
Công suất cho thuê tại các trung tâm mua sắm ở Hà Nội và TP HCM đều có kết quả không tốt trong quý 3/2015.
Ở mảng mặt bằng bán lẻ, trong quý 3, thị trường Hà Nội có thêm khoảng 2,3%, nâng tổng số diện tích hiện có lên 971.000 m2, tăng hơn 17% so với năm trước.

Và cũng như mảng văn phòng, giá thuê mặt bằng bán lẻ cũng xu hướng giảm gần 5%, đạt mức trung bình 808.000 đồng/m2, và nếu so với cùng kỳ năm trước thì giảm khoảng 9%. Trong đó, giá thuê của khối đế bán lẻ có mức giảm cao nhất khoảng 10,3%, tiếp đến là giá thuê tại các trung tâm mua sắm giảm 5,8%.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Hằng, trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam, trong khi các loại hình mặt bằng bán lẻ nói trên hoạt động không tốt thì phân khúc cửa hàng nhà mặt phố vẫn được khách hàng ưa chuộng nhất cả thời gian qua và dự kiến trong năm tới. Nhiều khách thuê có nhu cầu, song lượng cung dường như khó có thể đáp ứng bởi số lượng có hạn.

Dự kiến trong khoảng cuối năm nay, hai đại siêu thị, trung tâm mua sắm lớn là Aeon Mall Long Biên quy mô 72.000 m2 và Vincom Nguyễn Chí Thanh rộng 65.000 m2 sẽ đi vào hoạt động càng tạo thêm áp lực giảm giá và cạnh tranh khách thuê đối với phân khúc này.

Trong khi đó, tại TP HCM, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng nhẹ, đạt khoảng 950.000 m2, nhưng giá và công suất cho thuê đều giảm đáng kể. Giá thuê trung bình giảm 2%, đạt mức 1,3 triệu đồng/m2/tháng, công suất cho thuê giảm 1%.

Riêng công suất và giá cho thuê của trung tâm mua sắm cũng giảm nhẹ, trong khi khối đế bán lẻ và trung tâm bách hoá vẫn ổn định.

Savills dự báo, trong quý 4, giá thuê của mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM tiếp tục chịu áp lực giảm khi có tới 107.000m2 dự kiến sẽ gia nhập thị trường.

Ở mảng văn phòng cho thuê, nguồn cung tiếp tục tăng, đạt mức 1.500.000 m2 từ 225 dự án.

Tuy nhiên, trái ngược với Hà Nội, cả công suất cho thuê và giá thuê văn phòng tại Tp.HCM đều có kết quả tích cực khi công suất thuê trung bình đạt 94%, tăng 1% so với quý trước, riêng hạng A đạt 96%. Giá thuê trung bình đạt 563.000 đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý.

Tính chung trong quý 3, tổng diện tích văn phòng cho thuê đạt hơn 62.000 m2, tăng 143% so với quý trước, trong đó phần lớn là hạng A và B. Khu vực quận 1 vẫn ghi nhận là “cháy hàng” đối với hạng A và B do số tập đoàn kinh tế nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm.

Chính vì vậy, giá thuê được dự báo là sẽ tăng do cầu vẫn cao trong bối cảnh nguồn cung vẫn hạn chế.