Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, BĐS công nghiệp đang nổi lên là lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyển dịch địa bàn sản xuất
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, những Tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, Apple... đã tiến hành cuộc “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất. Các Tập đoàn này đều có xu hướng chuyển dịch sang đầu tư tại Việt Nam thay vì các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Một trong những Tập đoàn có sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất đó là Samsung, từ năm 2013 Tập đoàn này đã bắt đầu thực hiện kế hoạch biến Việt Nam thành “cứ điểm” toàn cầu về sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử của mình. Cuối năm 2018, Tập đoàn này đã công bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Hiện nay, với số lượng khoảng hơn 30 công ty tại Việt Nam, phần lớn tập trung tại tỉnh Thái Nguyên đang đóng vai trò là nhà cung cấp số một của Samsung.
Theo hãng thông tấn Reuters, cùng với Samsung, Tập đoàn điện tử LG đã công bố dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Quyết định này sẽ tăng công suất sản xuất tại nhà máy Việt Nam đạt 11 triệu thành phẩm từ nửa cuối năm 2019.
Thời gian gần đây, các khu công nghiệp Việt Nam cũng đón nhận lượng lớn vốn đầu tư FDI từ Tập đoàn Apple và các đơn vị liên kết. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2018 đã có thêm 6 nhà máy sản xuất linh kiện được đưa vào hoạt động, nâng tổng số nhà máy của Tập đoàn này tại Việt Nam lên 22 nhà máy.
 BĐS khu công nghiệp đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (Ảnh minh họa).
Với sự chuyển dịch của địa bàn sản xuất của những Tập đoàn lớn, đã kéo theo hàng loạt các nhà cung ứng cũng “tràn” vào Việt Nam, như: Kyocera Milta, Nestle, Panasonic, Toto, Bosch, Nidec, Schneider, Bayer, Cargill, Pepsi, Nestle… tạo thành làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các Khu công nghiệp.
“Việt Nam với sự ổn định về chính trị, kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao, đặc biệt là Chính phủ đã dành nguồn lực lớn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ, chi phí thuê nhân công thấp, nhiều hiệp định thương mại được ký kết... là yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. BĐS khu công nghiệp đang trở thành một trong những phân khúc hấp dẫn hiện nay trên thị trường BĐS” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Nhiều thách thức
Theo số liệu thống kê của công ty dịch vụ BĐS thương mại toàn cầu (JLL) tại Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận thu được từ việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11-12%, cao nhất trong khu vực. Đây là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp với kỳ vọng đạt lợi nhuận tốt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá các các chuyên gia mặc dù thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài FDI hàng năm. Nhưng BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, một trong những thách thức lớn nhất đó là sự cạnh tranh ngày càng cao của các nước trong khu vực.
Theo Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Nguyễn Minh Ngọc, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những Tập đoàn chuyên về công nghệ cao; Bên cạnh đó là hạ tầng phụ trợ tại các khu công nghiệp vẫn còn thiếu và yếu.
“Các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam vẫn bị đánh giá là rườm rà, đây là một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề cập và phán ánh trong quá trình hoạt động” - ông Nguyễn Minh Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đầu tư. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành trọng điểm trong quá trình thu hút đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng cao. Đồng thời Nhà nước cũng cần phải nâng cao năng lực quản lý đối với nguồn vốn FDI.