Thị trường trầm lắng
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong quý I/2021 phân khúc BĐS du lịch – nghỉ dưỡng có sự sôi động trở lại. Với hàng loạt dự án được chào bán và có giao dịch. Đơn cử như: Tại Quảng Ninh có dự án Sonasea tại Vân Đồn, A La Carte Hạ Long; Đà Nẵng có The Impive; Nha Trang có dự án ASTH; Bà Rịa Vũng Tàu có dự án The Maris; hay Phú Quốc (Kiên Giang) sôi động với các dự án của Sun Group tại Nam Đảo và Vin Group tại Bắc Đảo... Tuy nhiên, số lượng giao dịch vẫn rất hạn chế, nhà đầu tư vẫn quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm đất nền.
Cụ thể, tại Phú Quốc: Trong quý I tình hình BĐS đã có nhiều biển chuyển tích cực, nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng nhộn nhịp, chủ yếu tập trung vào tìm đất nền đô thị, sở hữu lầu dài, pháp lý rõ ràng và tiềm năng sinh lời cao. Giá đất cũng đang tăng nhẹ 5 - 10% so với 2020; Giá đất nền khu trung tâm Phú Quốc hiện rơi vào khoảng từ 100 - 400 triệu đồng/m2. Giới đầu tư dồn sự quan tâm sang các dự án đô thị đang chào bán rầm rộ như: Meyhome Capital; Sun Grand City New An Thới; Sun Grand city Hillside Residence...
Tại Đà Nẵng, phân khu phía Nam là các dự án BĐS phát triển ven theo sông Cổ Cò và các khu du lịch, resort nghỉ dưỡng, bãi biển, khu vui chơi giải trí lớn như: Cocobay, sân golf… phân khu phía Đông và quận Sơn Trà có vị trí đẹp nhất và giá trị lớn nhất của Đà Nẵng, với mật độ hạ tầng du lịch dày đặc, tốc độ đô thị hóa và lấp dân cư nhanh, nhưng mức giá đang đạt được sự ổn định, biên độ giao động tương đối nhỏ, được xem như nơi trú tiền khá an toàn cho các nhà đầu tư..
“Tương tự là tại Nha Trang – Khánh Hòa, hiện nay các vướng mắc về pháp lý vẫn còn đang trong giai đoạn tháo gỡ, nguồn cung dự án BĐS tại Khánh Hòa vẫn tiếp tục bị gián đoạn và hạn chế. Do vậy, trong ngắn hạn thị trường đất nền ven đô, ngoại thành vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang tạm thời trầm lắng không có giao dịch vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc điều chỉnh lại nguồn gốc đất của các dự án Condotel” – ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Khoảng trống về pháp lý
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho BĐS Việt Nam bởi các DN đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh. Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi được thông qua, Nghị định 148 ban hành sửa một số điều trong Luật đất đai, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc...
“Sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, thiếu nguồn cung ra thị trường. Theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng” – ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Đồng quan điểm, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, hiện nay phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng bằng nguồn lực của các “ông lớn” là chính, những nhà đầu tư thứ cấp dần xa lánh hoặc đầu tư nhỏ giọt chờ thị trường nóng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do “khoảng trống” về pháp luật, Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chưa lấp đầy được những vấn đề của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, chính sự chồng chéo đó đã khiến cả chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp lưỡng lự.
“BĐS du lịch kiểu mới như condotel, shophouse... gặp rắc rối ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời gian sử hữu chỉ 50 năm. Điều này vô tình khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà, bởi họ muốn hưởng ưu đãi như đất ở” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.