Giám đốc Điều hành Grant Thonrton Việt Nam, Kenneth Atkinson, cho biết, trong năm 2012, khách sạn 5 sao có độ chững về công suất phòng và giá thuê. Trung bình giá phòng đang có chiều hướng đi xuống và giảm công suất 5-10%. Trước đó, năm 2011, ngành du lịch vẫn là lựa chọn hàng đầu của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân tìm cơ hội kinh doanh. Thế nhưng 12 tháng gần đây, họ không còn xem ngành này là lĩnh vực hấp dẫn nữa.
Khách tham quan xem mô hình một dự án bất động sản du lịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Ông Kenneth Atkinson nhận xét, Việt Nam có lợi thế phong phú về cảnh quan, đa dạng văn hóa, nhiều di tích lịch sử hấp dẫn nhưng thiếu các dịch vụ bổ trợ. Thêm vào đó, lượng khách quay lại lần 2, lần 3 khá ít nên tiềm năng của thị trường này còn hạn chế. Thống kê của Grant Thonrton, Thái Lan có 18-19 triệu khách mỗi năm quay trở lại. Trong khi đó, lượng khách trở lại Việt Nam chủ yếu là Việt kiều và khá thấp. Các gia đình Việt Nam đi du lịch chỉ đơn thuần để biết, không phải để nghỉ dưỡng. Theo chuyên gia này, Việt Nam còn hạn chế việc sở hữu tài sản đối với người nước ngoài đã khiến bất động sản du lịch giảm độ hấp dẫn. Tin rằng khủng hoảng còn kéo dài, Phó chủ tịch cao cấp khách sạn Thailand and Indochina Jones Lang LaSalle, Andrew Langdon dự báo: "Năm 2013 bất động sản du lịch vẫn khó khăn và sẽ khó bật dậy trong vài năm tới". Ông nhận định, với thị trường Việt Nam, tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí đến từng chi tiết là vấn đề vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay. Thống kê của Jones Lang LaSalle, trong năm 2011 hoạt động đầu tư khách sạn của Việt Nam chiếm 1,5% trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cao hơn Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Malaysia. Tuy nhiên tính đến quý 3/2012, Việt Nam thậm chí không có tên trong biểu đồ đầu tư này. Ông Langdon cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản du lịch phải cẩn trọng rà soát lại tình hình. Theo đó, họ cần hiểu được điều gì đang xảy ra trên thị trường và tác động ra sao. Trên cơ sở đó tính toán lại ngân sách, đối tượng khách, thay đổi cách quản lý sao cho phù hợp. Chuyên gia này đưa ra ví dụ tại Thái Lan trước đây chỉ có 0,5% khách Trung Quốc, nay đến 50% khách thuê phòng là người Hoa. Sự biến chuyển này đòi hỏi nhà quản lý phải bổ sung nhân viên nói tiếng Hoa, thêm thực đơn phục vụ nhóm khách này. "Muốn vượt khó, các nhà kinh doanh bất động sản du lịch phải tận dụng mọi cơ hội bán phòng trực tiếp, bán qua mạng, bán theo nhóm, bán cho cá nhân... để cải thiện tình hình", ông Langdon đưa ra lời khuyên. Cho rằng thị trường đã xa thời hoàng kim, Giám đốc Alternaty Real Estate, Rudolf Hever nhận xét: "Hiện các dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra và kêu gọi đầu tư. Những căn biệt thự biển giá một vài triệu USD đã không còn dễ bán như năm 2007 nữa". Theo ông Rudolf Hever, Việt Nam cần có những dòng sản phẩm mới như: sở hữu một phần, chia sẻ kỳ nghỉ để thích ứng với giai đoạn khó khăn này. Nếu không thể có một số tiền lớn để mua căn hộ nghỉ dưỡng, khách hàng có thể mua quyền sử dụng hoặc sở hữu một phần, chia sẻ kỳ nghỉ với giá rẻ hơn. "Song văn hóa sở hữu toàn phần của người Việt quá mạnh. Cộng thêm quy định hạn chế việc sở hữu tài sản đối với người nước ngoài và tỷ lệ du khách trở lại lần 2 khá thấp nên các sản phẩm mới rất khó triển khai", ông Rudolf Hever phân tích. Vẫn giữ vững quan điểm lạc quan, Giám đốc điều hành Tập đoàn Everly, Dennis Tan chia sẻ kinh nghiệm thành công trong khủng hoảng. Ông cho hay đã mua một khách sạn tại Malaysia khi thị trường suy thoái năm 1985. Kết quả chỉ sau 18 tháng suất đầu tư này bắt đầu thu được lợi nhuận. "Thị trường khó khăn là cơ hội mua tài sản với giá rẻ. Việt Nam có phong cảnh đẹp, du khách tăng hàng năm, nhiều chuyến bay giá rẻ với tần suất hoạt động cao... là cơ sở để kỳ vọng vào sự phát triển của bất động sản du lịch", ông nói.