Làn sóng phát mại tài sản bất động sản của các ngân hàng đã nhe nhóm từ cuối năm 2011 tuy nhiên gần đây áp lực này tiếp tục tăng lên cao hơn do các ngân hàng khan hiếm nguồn tiền.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, do kinh tế khó khăn, tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thị trường không có thanh khoản... việc ngân hàng phát mại tài sản bất động sản ở mức giá thấp không được thành công bởi nhiều yếu tố. Đơn cử, nếu ngân hàng định giá tốt, ví dụ như nhà đất trị giá 15 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 7 - 8 tỷ đồng, thì mới có khả năng phát mại được giá. Trong trường hợp ngân hàng thẩm định không tốt hoặc vì có quan hệ mà cho vay đến 10-12 tỷ đồng chẳng hạn, thì người thế chấp sẵn sàng chấp nhận mất nhà. Khi đó, nếu bán được thì ngân hàng cũng phải chịu lỗ nhiều. Điều này cho thấy, rủi ro của ngân hàng là rất cao, vì có nhiều khu vực, bất động sản đã giảm giá 50%, thậm chí giảm đến 60% cũng rất khó bán.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc phát mãi tài sản của các ngân hàng cũng sẽ gây tác động lớn đến diễn biến về giá bán bất động sản khi mà đà giảm giá chưa có dấu hiệu ngừng. Việc “bán tháo” của các ngân hàng đã góp phần hình thành nên mặt bằng giá mới trên thị trường. Theo nhận định ông Lý Văn Mạnh- Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương, mọi diễn biến thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế năm sau. Nếu tín dụng không nới lỏng, không có gì thay đổi thì thị trường không thể khởi sắc. Để cứu bất động sản cần có tiền tuy nhiên nguồn tiền thì không nhìn thấy đâu. Những doanh nghiệp có thể trụ lại trong bối cảnh này sẽ chỉ là doanh nghiệp không chịu áp lực lãi vay ngân hàng hoặc có khoản vay không quá lớn. Diện mạo thị trường bất động sản luôn luôn phụ thuộc vào quá trình kiềm chế lạm phát như thế nào. Kiềm chế lạm phát bằng việc tác động đến lãi suất ngân hàng, giảm cung tiền ra thị trường nói chung, đặc biệt hãm cung tiền cho thị trường bất động sản. Tác động của nó là làm cho thị trường bất động sản yếu vốn. Người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ không muốn đầu tư vào bất động sản dẫn đến giao dịch chậm. Nhà đầu tư càng khát vốn thì giảm giá tới mức có thể để thu tiền về. Vì vậy, giá bất động sản có thể xuống nhiều hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, đáy bất động sản được hiểu là giá thị trường bằng giá thành sản xuất, nếu giá hạ thấp hơn nữa tức là dưới đáy. Tuy nhiên, lý thuyết này không hề đúng với diễn biến giá thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. Bởi thực tế, nhiều dự án bất động sản cũ với lợi thế về tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây thô nhưng vẫn giảm dưới mức giá thành. Điều đáng ngại nữa, năm 2012 cùng với việc tín dụng bị siết chặt, thị trường bất động sản chịu áp lực bán tháo lớn do làn sóng vỡ nợ các đại gia bất động sản thuộc các tỉnh lớn vốn chi phối thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2013, thị trường tiếp tục phải chịu thêm nhiều đợt sóng giảm giá nữa do các ngân hàng thương mại bí bách tiền mặt sẽ buộc phải phát mại tài sản là bất động sản đã cầm cố của khách hàng. Làn sóng này đã bắt đầu diễn ra từ giữa quý III/2012 và dự kiến sang năm 2013 sẽ mạnh hơn rất nhiều. Nó cũng sẽ gây áp lực buộc các chủ đầu tư dự án cũng sẽ buộc phải giảm giá bán sản phẩm bất động sản.