Cuộc đột kích diễn ra vào ngày 10/12, bắt giữ 148 công dân Trung Quốc, 40 công dân Philippines và hàng trăm người Nigeria. Theo người phát ngôn của EFCC, ông Wilson Uwujaren, tòa nhà cao bảy tầng này là trung tâm gọi điện phục vụ các hoạt động lừa đảo, nhắm mục tiêu vào các nạn nhân tại châu Mỹ và châu Âu.
Các nghi phạm sử dụng mạng xã hội và nền tảng nhắn tin như WhatsApp và Instagram để tiếp cận nạn nhân, thường thông qua việc hứa hẹn các mối quan hệ tình cảm hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn. Khi nạn nhân đã tin tưởng, họ bị ép buộc chuyển tiền vào các dự án tiền mã hóa giả hoặc các kế hoạch đầu tư không có thật.
Ông Uwujaren giải thích: “Các đối tượng người Nigeria được tuyển dụng để thực hiện bước đầu là xây dựng lòng tin của nạn nhân. Sau đó, các chuyên viên nước ngoài sẽ đảm nhận việc thao túng và chiếm đoạt tiền.”
EFCC cũng cho biết, các nạn nhân đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Mexico và các nước châu Âu khác.
Ngoài việc bắt giữ các nghi phạm, lực lượng chức năng đã tịch thu máy tính, điện thoại và các phương tiện khác để phục vụ điều tra. EFCC đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để xác minh mối liên hệ giữa mạng lưới này và các tổ chức tội phạm toàn cầu.
Ông Uwujaren nhấn mạnh: “Cuộc đột kích này là một bước tiến quan trọng trong việc triệt phá các hình thức tội phạm tài chính xuyên quốc gia, bảo vệ hàng triệu nạn nhân trên thế giới khỏi các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi.”
Các hoạt động của đường dây này không chỉ gây tổn thất tài chính nghiêm trọng cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Nigeria trên trường quốc tế. Chính quyền nước này đang nỗ lực xóa bỏ danh tiếng gắn liền với các hoạt động lừa đảo trực tuyến, thường được gọi là "419 scams".