Cây cầu dành cho xe lửa nối Crimea với lãnh thổ lục địa của Nga - giống như cây cầu song song dành cho xe ô tô hoàn thành năm ngoái - được đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin khánh thành, đủ để thấy tác động đối nội và thông điệp đối ngoại từ đấy được ông Putin coi trọng và đề cao như thế nào. Và ở mức độ phản đối của EU cũng có thể thấy EU không hài lòng về chuyện này như thế nào.
Mối quan hệ giữa Nga với EU và Ucraine vì thế sẽ thêm trắc trở và những bất hoà lâu nay càng thêm khó có thể được hoá giải. Những kỳ vọng mới được nhen nhóm về cả hai mối quan hệ này được cải thiện từ sau khi ở Ucraine có tổng thống mới và sau khi cái gọi là Thể thức Normandy về Ucraine có được cuộc gặp cấp cao mới sau hơn 3 năm ngưng trệ như thế ngọn lửa bị dội nước lạnh. Vì tiếp nhận Crimea vào năm 2014 mà Nga bị Mỹ và EU từ đó đến nay áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính. Quan hệ giữa Nga và Ucraine trở nên thù địch. Mỹ và EU đòi Nga giao Crimea cho Ucraine. Tân tổng thống Ucraine, ông Volodymir Selenskij, cam kết trong vận động tranh cử tổng thống và dành ưu tiên cầm quyền là lấy lại Crimea cho Ucraine. Người này chủ trương thực hiện mục tiêu ấy bằng cách vừa bình thường hoá quan hệ của Ucraine với Nga vừa dựa vào áp lực từ phía Mỹ và EU đối với Nga. Ở cuộc gặp cấp cao nói trên của Thể thức Normandy, ông Selenskij và ông Putin lần đầu tiên gặp nhau và ngồi vào cùng bàn thương thảo với nhau. Vì thế mà có cơ sở để lạc quan phần nào về băng tan giá bớt trong mối quan hệ giữa Ucraine và Nga cũng như giữa các nước Phương Tây với Nga.
Cây cầu mới này của Nga làm cho những bất hoà hiện tại càng thêm khó được hoá giải và khắc phục. Nga đã không chỉ tạo ra sự đã rồi mới trong chuyện liên quan đến Crimea mà còn kết nối Crimea chặt chẽ hơn với Nga, ràng buộc Crimea chặt chẽ hơn vào Nga, đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng ở Crimea và cho Crimea mà còn hội nhập và hoà nhập Crimea sâu rộng hơn vào Nga. Crimea mà càng gắn kết với Nga thì Ucraine càng khó giành về Crimea trong khi EU và Mỹ không thể gia tăng tới mức vô hạn áp lực đối với Nga và cũng chẳng thể duy trì được mãi mãi những biện pháp trừng phạt Nga bởi còn có không ít chuyện động chạm trực tiếp tới lợi ích chiến lược của họ ở châu Âu cũng như trên thế giới mà họ chỉ có thể giải quyết được cùng với Nga chứ không phải không cần đến Nga như giải quyết chuyện ly khai chống chính phủ ở Ucraine, an ninh cho châu Âu, giải trừ quân bị, Syria, bán đảo Bancan.....
Bởi vậy có thể thấy ông Putin chủ ý phát đi 3 thông điệp từ chuyện này tới dân chúng ở Nga, Crimea và ở Ucraine cũng như tới phía Mỹ, EU, Nato và Ucraine. Thứ nhất là sẽ không có chuyện Nga từ bỏ Crimea, sẽ là ảo tưởng đối với bất kể ai cho rằng Nga bây giờ thì chưa nhưng sau này thì có thể đàm phán với EU hay Ucraine về Crimea. Ở đây, ông Putin còn hàm ý rằng nếu muốn bình thường hoá quan hệ của Ucraine thì ông Selenskij phải chấp nhận thực tế là Ucraine sẽ không bao giờ giành về được Ucraine cũng như nếu muốn Nga tác động giúp giải quyết ổn thoả vấn đề nội chiến và ly khai ở vùng lãnh thổ miền đông Ucraine thì phía Ucraine không nên làm khó dễ Nga nữa về Crimea.
Thứ hai là Nga sẽ không vì những biện pháp chính sách hiện tại của Mỹ, EU và đồng minh mà nhượng bộ trong vấn đề Crimea. Ông Putin muốn biểu lộ cho các đối tác kia thấy Nga không chỉ sẵn sàng mà còn đã trù tính chơi dài dài cuộc chơi hiện tại với họ về Crimea.
Thứ ba là Nga đang nắm giữ vai trò chủ động dẫn dắt tiến trình xử lý các vấn đề liên quan đến Ucraine chứ không phải Mỹ hay EU, càng không phải Ucraine và cũng chẳng phải Thể thức Normandy về Ucraine.
Cái gọi là "Sách lược tạo sự đã rồi" này của Nga xem ra tiếp tục công hiệu. Nhưng cũng chính vì thế mà mối quan hệ của Nga với Mỹ, EU và Ucraine sẽ thêm khó khăn và phức tạp, tế nhị và nhạy cảm về cả đối nội lẫn đối ngoại, về cả pháp lý quốc tế lân chính trịban ninh châu lục.