70 năm giải phóng Thủ đô

Bát nháo thực phẩm chức năng

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... rất lớn nên thị trường này đã phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ TPCN giả nhãn hiệu nước ngoài, kém chất lượng trong thời gian gần đây cho thấy sự thiếu kiểm soát ở thị trường này.
Liên tục phát hiện vi phạm
Ngày 18/10, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) khi kiểm tra tại kho của một DN có địa chỉ tại quận Hà Đông đã phát hiện, tạm giữ 40.000 sản phẩm thuộc 10 dòng TPCN, mỹ phẩm mang tính chất TPCN nhãn hiệu Korea, New Zealand. Tại thời điểm kiểm tra, DN không xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận ATTP, không có tem, nhãn phụ theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 6 thu giữ thực phẩm chức năng tại kho 365 quận Hà Đông ngày 18/10. Anh: Thu Hương

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh TPCN không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389 T.Ư), thời gian qua, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã phát hiện nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Cụ thể, qua kiểm tra Công ty CP Dược phẩm quốc tế USA (Định Công, Hoàng Mai) đã phát hiện DN này sản xuất 3 lô hàng TPCN chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Công ty CP Đầu tư phát triển Pháp Âu (Thụy Khuê, Tây Hồ) kinh doanh TPCN giả nhãn hiệu Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu. Công ty CP Dược và thiết bị y tế Hà Tây (Phú Lãm, Hà Đông) sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phyperus DHA chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng…
Siết chặt quản lý
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, thị trường TPCN đang phát triển nở rộ với hơn 3.600 DN sản xuất, kinh doanh, gần 7.000 sản phẩm nhưng khó kiểm soát chất lượng, thậm chí, nhiều DN sản xuất TPCN giả. PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, các vụ phát hiện và thu giữ TPCN giả nhãn hiệu cho thấy, đối tượng làm giả rất tinh vi, chấp nhận đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn giả nên rất khó phân biệt với hàng chính hãng.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập DN có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang thương hiệu nào, lúc đó đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất TPCN giả nhãn mác đều không rõ nguồn gốc hoặc hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia.
Nguyên nhân khiến trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm TPCN nhái nhãn mác, không đảm bảo chất lượng là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn lỏng lẻo. Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý TPCN. Thế nhưng đến nay, chưa có Nghị định về quản lý TPCN được xây dựng. Hiện nay mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý chưa chặt chẽ, thị trường TPCN bị cơ quan quản lý thả nổi.
Chính vì vậy, Hiệp hội TPCN Việt Nam kiến nghị, cần thiết ban hành nghị định để quản lý TPCN trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn. Đồng thời để Nghị định phát huy được hiệu quả, cần phải đưa những chế tài xử phạt nặng, thậm chí là xử lý hình sự cho các hành vi sai trái trong việc sản xuất, kinh doanh TPCN như sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. 
Chỉ tính riêng tháng 9/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 33 cơ sở kinh doanh, sản xuất TPCN kém chất lượng với số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng.