Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ổn “miếng bánh” lợi nhuận xăng dầu

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của các DN bán lẻ xăng dầu về việc đảm bảo chi phí, lợi nhuận kinh doanh đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, DN.

Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đây cũng là vấn đề nổi cộm nhất của thị trường xăng dầu, thậm chí được ví như “cuộc chiến” chưa có hồi kết giữa DN đầu mối, thương nhân phân phối và DN bán lẻ.

Bán lẻ thua lỗ, đầu mối hưởng hết chi phí kinh doanh

Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) Giang Chấn Tây bộc bạch, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu.

Khoản chi phí này là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước, gồm chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa).

Cụ thể, trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu đều liệt kê tính gồm chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.

 

Lâu nay, thị trường xăng dầu không có sự cạnh tranh giá cả mà chỉ dựa vào giá trần cơ quan quản lý đưa ra. Tuy có công khai về công thức tính giá trần nhưng vẫn đứng về phía DN đầu mối, chưa tính đến quyền nhà phân phối. Do đó, phải tạo thế độc lập cho phân phối, giảm phụ thuộc đầu mối và khi DN thua lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính),
TS Vũ Đình Ánh

Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu nên DN đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Đó là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, DN bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Đại diện cho 950 DN bán lẻ xăng dầu, Giám đốc Công ty Thương mại – Vận tải – Xây dựng Hà Giang Hoàng Thanh Tùng đề xuất: Để bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích, Nhà nước cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có phân biệt đối xử.

Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ tối thiểu từ 3 - 3,5% nhân với giá bán lẻ; lợi nhuận định mức cho DN bán lẻ từ 2 - 2,5% giá bán lẻ.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, DN bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc DN đầu mối, mà phải bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là DN đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

DN bán lẻ xăng dầu kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách Nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng.

DN bán lẻ mua hàng của DN đầu mối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0 đồng, thậm chí là âm nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy, DN bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên giải trình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên giải trình.

Thực tế, tại các phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về vấn đề xăng dầu, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận xét bức tranh thị trường xăng dầu rất bất ổn.

Đơn cử như, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/1/2022 nhưng đã bộc lộ bất cập khi chưa tính đúng, đủ chi phí cấu thành giá cơ sở và không đảm bảo hài hòa lợi ích 3 khâu: Đầu mối, phân phối và bán lẻ. Việc này dẫn tới khâu bán lẻ là mắt xích, kênh trực tiếp thể hiện bức tranh toàn cảnh về thị trường xăng dầu phải chịu cảnh thua lỗ triền miên hơn một năm qua.

Phân chia cách nào hợp lý?

Trong đơn thư cầu cứu lên Chính phủ đề nghị xem xét quy định chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu, các DN bán lẻ đề xuất liên bộ Tài chính - Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức.

Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà DN bán lẻ không được hưởng. Ví dụ, sau khi thẩm định, phân định lại mức nhận được của DN bán lẻ là 900 đồng/lít mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị hội đồng yêu cầu DN đầu mối hoàn trả lại cho DN bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa.

Đồng thời, thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính tổng mức mà DN đầu mối phải chi trả bổ sung cho DN bán lẻ kể từ ngày 1/11/2021 khi Nghị định 95 ban hành cho đến nay.

Để phân giải mâu thuẫn giữa các nhóm DN, trong Văn bản số 2511/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị của một số DN bán lẻ xăng dầu liên quan đến đề nghị hoàn trả lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho DN.

Văn bản nêu rõ: Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để xem xét các kiến nghị, có văn bản trả lời cho DN. Đồng thời, nghiên cứu các kiến nghị của DN bán lẻ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc xem xét đề xuất hoàn lại lợi nhuận của DN bán lẻ vẫn tiếp tục chờ ý kiến từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đa số các ý kiến chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Song nếu ngược lại, vẫn quy định giá bán lẻ, bắt buộc phải có khoản chi phí bán hàng mà DN bán lẻ hay gọi là chiết khấu bán hàng.

Nêu quan điểm vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường xăng dầu đang tồn tại sự đối đầu giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ, nói thẳng là xung đột lợi ích giữa các nhóm DN.

Vì vậy, vấn đề này phải khắc phục ngay chứ không cần phải chờ sửa Nghị định 83 và Nghị định 95. "Chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu mà chưa có thị trường xăng dầu nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường.

Trong khi đó, hệ thống kinh doanh xăng dầu thực sự là chưa ổn. Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, đang chiếm 70% trong hệ thống” - TS Vũ Đình Ánh lưu ý.

Cho rằng tỷ lệ chiết khấu tối thiểu bảo đảm cho DN bán lẻ hoạt động ổn định là cần thiết, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích: Lợi nhuận định mức tối thiểu cho DN bán lẻ từ 2 - 2,5% là chấp nhận được và bảo đảm lợi ích hài hòa.

Hơn nữa, có tỷ lệ tối thiểu, việc kiểm toán sau này đối với DN kinh doanh xăng dầu nói chung cũng dễ hơn và khoa học hơn. Mặt khác, sự cạnh tranh của các DN nằm trong những thỏa thuận cụ thể từng hợp đồng mua bán giữa 2 bên với nhau. Các điều khoản trong hợp đồng mua bán giữa đầu mối với bán lẻ, phân phối với bán lẻ phải được chú trọng hơn.

 

Về lâu dài, Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng về cơ chế quản lý, điều hành giá và phân phối xăng dầu của nước ta để tránh tình trạng chồng chéo khi có quá nhiều đơn vị liên quan mà không có một cơ quan chủ trì. Cần thiết phải có một cơ quan chủ trì chuyên trách để có thẩm quyền và trách nhiệm trong toàn bộ quy trình quản lý, điều hành. Có như vậy, thị trường xăng dầu mới được vận hành ổn định và hiệu quả.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính