Bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI

Thủy Tiên - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều nay, 30/12, tiếp theo chương trình làm việc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI, Đoàn Chủ tịch Đại hội báo cáo về Đề án và phương án nhân sự Ban Chấp hành khoá XI.

Trong phiên họp chiều nay, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra khoá XI. Theo đó, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI gồm 52 nhân sự (còn 5 nhân sự sẽ bầu sau Đại hội); Ủy ban Kiểm tra của Hội Nhà báo khoá XI gồm 15 nhân sự. Ngoài ra, Đại hội cũng đã thông qua Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội khóa XI. 
 Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. 

Đại hội đã tiến hành phiên thảo luận. Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, phóng viên báo chí cũng như là những chiến sĩ trên các mặt trận. Những người làm báo đã đối mặt với không ít hiểm nguy tới an toàn, sức khoẻ của mình vì mục đích thông tin tới độc giả. Họ đã vượt lên tất cả để chiến thắng, để mang tới những bài báo, những tác phẩm báo chí nhiều thông tin, rất xúc động và giàu tính nhân văn. Ở những tác phẩm đó có cả những giọt nước mắt, những hi sinh, mất mát để có những dòng tin tức tới công chúng.

 Quang cảnh Đại hội

Nhấn mạnh vào vấn đề đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh công nghệ 4.0, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí, Đại học KHXH&NV cho rằng, không giống như đào tạo cử nhân của ngành khoa học xã hội khác, rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo báo chí truyền thông. Yêu cầu cần đối với cơ sở đào tạo là phải có trang thiết bị như một toà soạn thu nhỏ, một đài phát thanh, một đài truyền hình, và một tờ báo điện tử cho sinh viên tác nghiệp. Yêu cầu đủ là nhà trường phải có đội ngũ cán bộ giảng dạy, hướng dẫn viên thực hành và đội ngũ nhà báo cộng tác viên tinh thông nghề nghiệp để hướng dẫn cho sinh viên làm báo.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về văn hóa, triết học, lịch sử, chính trị học, xã hội học, tâm lý học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện. Mặt khác, để có thể định hướng sự phát triển của báo chí Việt Nam là phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí.

Đề xuất phát triển câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành, nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, xuất phát từ hoạt động của các nhà báo, hội viên cùng được phân công viết về một lĩnh vực nên quen biết nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp từ đó hình thành các nhóm phóng viên chuyên ngành sau đó phát triển thành các câu lạc bộ trực thuộc Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh (hiện nay có 6 câu lạc bộ đang hoạt động).

Các câu lạc bộ có cơ cấu một Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên do các thành viên bầu và được Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận. Loại hình này mang tới một “sân chơi” bổ ích, hấp dẫn với các hội viên, để hội viên gắn bó với hoạt động Hội một cách tự nguyện. Hội viên thấy được lợi ích khi tham gia các câu lạc bộ cũng chính là tham gia hoạt động Hội bởi mô hình này đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong quá trình tác nghiệp, thỏa mãn các sở thích cá nhân lành mạnh.

Về Đại hội Hội Nhà báo khoá XI, các đại biểu tham gia đại hội đều kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới của Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí của báo chí Việt Nam trong hệ thống truyền thông đại chúng.

Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI họp phiên thứ nhất bầu: Ban Thường vụ gồm 12 nhân sự và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội khóa XI. 
Theo chương trình, vào ngày mai, 31/12, tại Cung văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI sẽ bước vào phiên chính thức.