Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Hạ viện Nga khóa VII: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang đối mặt với khó khăn trên mọi phương diện, nhưng đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) khóa VII diễn ra ngày 18/9 (giờ địa phương).

Khoảng 111,6 triệu cử tri Nga, trong đó hơn 2 triệu người sống ở nước ngoài đã tham gia bỏ phiếu chọn ra 450 nghị sĩ Hạ viện với nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử Hạ viện Nga được xem như bài “kiểm tra” đối với khả năng đảm bảo một cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong ổn thỏa vào năm tới của Điện Kremlin. Người đứng đầu Ủy ban Bầu cử T.Ư của Liên bang Nga Ella Pamfilova cho biết, có 774 quan sát viên từ 63 nước đang theo dõi hoạt động bầu cử tại 55 khu vực của Nga. Năm nay, các nhà quan sát từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã được cho phép theo dõi việc bỏ phiếu để đảm bảo tính trong sạch và an ninh nhất, tránh lặp lại các cuộc biểu tình như cuộc bầu cử hồi năm 2011. Theo cuộc thăm dò trước đó, đảng UR bị ảnh hưởng nhiều về uy tín vì để nền kinh tế Nga gặp “khủng hoảng”. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin vẫn khá cao, giới chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử năm nay, phần thắng nhiều khả năng nghiêng về phía đảng UR.

Cử tri Nga tham gia bỏ phiếu bầu cử Duma Quốc gia khóa VII. Ảnh: Tass

Theo giới phân tích, kết quả của cuộc bầu cử lần này vừa là cơ hội nhưng cũng đem lại nhiều “thách thức” cho đảng UR và ông Putin nếu tiếp tục chạy đua vào vị trí người đứng đầu nước Nga vào năm 2018. Bởi lẽ, trong suốt 15 năm qua, dù đã có những bước chuyển biến vượt bậc, song nước Nga vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép. Đặc biệt là khủng hoảng kinh tế 3 năm liên tiếp và đây là điều mà cử tri Nga tỏ ra “nghi ngại” với chính sách của ông Putin. Dầu mỏ và khí đốt – 2 sản phẩm đóng góp khoảng 50% nguồn thu ngân sách của Nga giảm mạnh do Moscow phải “hứng chịu” những biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây, sau cuộc khủng hoảng chính trị với Ukraine. Theo thống kê, chính quyền Tổng thống Putin đã bị thiệt hại khoảng 600 tỷ USD do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên gây ra.
Việc Chính phủ Nga liên tiếp áp dụng những chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội… phần nào khiến đời sống của người dân nước này rơi vào tình trạng khó khăn. Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rostat) công bố, trong quý I/2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 2 nhà lãnh đạo Nga là Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev buộc phải đặt ra mục tiêu nhanh chóng vực dậy nền kinh tế cũng như nâng cao đời sống của người dân nước này. Đồng thời, vượt qua sự trừng phạt chính trị của các nước phương Tây để giành lại vị thế siêu cường thế giới. Song, tiến trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự ủng hộ của người dân. Phải khẳng định rằng, kết quả bầu cử năm nay có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của Tổng thống Putin liệu có tái tranh cử vào năm 2018 cũng như chiến lược tranh cử trong 2 năm tới.