Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Tổng thống Mỹ và số phận của TPP

Minh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội Mỹ khó thông qua TPP trong thời gian ông Obama tại vị và 2 ứng viên Tổng thống Mỹ không ủng hộ hiệp định khiến dư luận đặt câu hỏi về tương lai của TPP.

Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về “số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước các “kịch bản” có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
 Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Xin ông đánh giá về vai trò của Mỹ trong việc phê chuẩn TPP?
- Để TPP có hiệu lực thì không nhất thiết tất cả các nước thành viên phải phê chuẩn, nhưng số thành viên thông qua phải chiếm 85% GDP trở lên của các nước thành viên. Vì vậy, TPP chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội Nhật và Mỹ phê chuẩn. Như vậy, vai trò của Mỹ và Nhật Bản, theo khía cạnh này là rất quan trọng.
Gần đây, đã có một số nghi ngại về khả năng Mỹ không phê chuẩn TPP, nguyên nhân cơ bản là do cách nhìn của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ đối với TPP. Cụ thể, ông Donald Trump công khai phản đối, còn bà Hillary Clinton không hài lòng với một số cam kết của TPP, cho rằng TPP có những tác động bất lợi cho công ăn việc làm của người dân Mỹ.
Theo ông, sẽ có những “kịch bản” nào cho TPP khi cả 2 ứng viên Tổng thống đều không ủng hộ? 
- Kịch bản thứ nhất, nếu bà Clinton trở thành Tổng thống, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể không có nhiều thay đổi. Các phát ngôn chính thức của bà đều cho rằng, bà chưa thực sự hài lòng với các cam kết của TPP. Nhưng theo cá nhân tôi, việc phê chuẩn TPP dưới thời “Tổng thống Clinton” khó khăn nhưng có xác suất cao và rõ ràng hơn.
Trong khi đó, ông Donald Trump công khai phát biểu chống lại thương mại tự do như xem xét rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phản đối TPP... Tuy nhiên, thực tế Mỹ có quan hệ thương mại đầu tư với rất nhiều nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN. Các quan hệ này cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho Mỹ. Ngoài ra, "luật chơi" TPP cơ bản là do Mỹ khởi xướng và dẫn dắt đàm phán. Với tư cách một nước lớn, việc ứng xử với TPP cũng quyết định lòng tin của thế giới vào chính sách của Washington. Sẽ khó có khả năng chính phủ kế nhiệm phủ nhận “sạch trơn” chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Nên theo cá nhân tôi, trong trường hợp ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, thì khả năng cao TPP vẫn được thông qua.
Nếu việc TPP được phê chuẩn/có hiệu lực chậm lại một vài năm, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
- Ngay cả trước khi TPP và một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác kết thúc đàm phán, Việt Nam đã được hưởng nhiều lợi ích, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam. Đã có rất nhiều dòng vốn nước ngoài tăng lên đáng kể trong 2 năm qua. Đó là kết quả từ tác động của các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia đàm phán, trong đó có TPP. Như vậy, mặc dù chưa có hiệu lực, TPP đã có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Thứ hai, nếu TPP có hiệu lực chậm hơn dự kiến, chúng ta cũng có thời gian nhìn nhận, nghiên cứu, chuẩn bị cả dưới góc độ Chính phủ và DN. Ví dụ, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết mới này, Việt Nam cần chỉnh sửa trên 50 luật, điều này cũng rất cần thời gian. Đối với DN, họ cũng có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các bước hội nhập khi TPP có hiệu lực. Điều này có nghĩa là nếu bị trì hoãn, TPP vẫn có tác động tích cực.
Xin cảm ơn ông!

TPP có thể được phê chuẩn trong 2 năm tới

Gần đây, tại Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ tổ chức, các học giả cũng chia sẻ quan điểm, TPP sẽ được phê chuẩn trong 2 năm tới, mặc dù quá trình ấy có thể sẽ có nhiều khó khăn.

Ông Võ Trí Thành