Bầu Đức: 19 năm làm bóng đá, 2 chức vô địch và 2.000 tỷ đồng

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Gần 20 năm làm bóng đá, tốn rất nhiều tiền, khoảng 2.000 tỉ đồng chứ không ít. Lúc này tôi đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. Lứa Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường có thể nói khiến tôi rất hài lòng", bầu Đức chia sẻ với báo chí.

Một con số làm không ít người giật mình, bởi tưởng “đá cho vui” thì làm gì bầu Đức tốn kém đến thế. Nhưng bầu Đức hẳn không phải chém gió để khoe khoang làm gì.

Gần 2 thập kỷ và 3 cuộc cách mạng

Năm 2001, cái tên Hoàng Anh Gia Lai chính thức có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam và bầu Đức là cái tên được được báo chí nhắc đến nhiều nhất. Khác với Gạch của bầu Thắng, Gỗ của bầu Đức đi theo chiến lược hoàn toàn khác. Bầu Thắng kiếm thầy ngoại để nâng tầm đội bóng thì bầu Đức lại tìm vào đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam để “săn đầu người”. Ông quan điểm rất rõ, mời chính những cầu thủ đã làm mưa, làm gió ở khu vực Đông Nam Á về Việt Nam để vực HAGL lên kịp với các đội V.League.

Nói là làm, tháng 2 năm 2002, đội bóng "Dream Team" đã mời Kiatisuk và tiền vệ Chukiat đến Việt Nam, chỉ vài tháng sau thì HAGL rời sự quản lý của Sở TDTT Gia Lai để về tay ông bầu chịu chơi này. Ngày bàn giao, ông nói như đinh đóng cột: "Hãy về với đội của anh, các em sẽ được nổi tiếng".

 19 năm làm bóng đá, 2 chức vô địch và 2.000 tỷ đồng. Ảnh AT

Nhưng rồi dàn cầu thủ chỉ đủ tuổi đá hạng Nhất đã phải nhường chỗ cho dàn sao cả nội lẫn ngoại. Bộ ba “Made in ThaiLand” gồm Kiatisuk, Chukiat, Dusit bộ xương sống Thái Lan cùng với các ngôi sao quá lứa như Mạnh Dũng, Lương Trung Tuấn, Duy Quang, Phi Hùng, Văn Sĩ Hùng, Quang Trường…với vài cầu thủ cá tính như Quốc Vượng, Việt Thắng…Cách tuyển quân của ông cũng rất đơn giản, CLB cũ trả lương bao nhiêu thì về HAGL se được nhận lương gấp đôi.

Quả ngọt

Với cách làm bóng đá dùng “bom tấn” thu hút sao thì HAGL đã vô địch ngay mùa giải V.League 2003, khi lần đầu đá V.League và tiếp tục vô địch mùa giải sang năm. Thương hiệu HAGL nổi khắp Đông Nam Á và tất nhiên là được báo chí Thái Lan cập nhật từ ngày vì những cầu thủ Thái sáng giá nhất đang đầu quân ở đó. Những cụm từ “phố Núi” rồi “những đứa con của bầu Đức” đã được nhắc liên tục với tần suất dày đặc.

Sau này, bầu Đức vẫn chuộng “hàng Thái” khi liên tiếp mời thêm Thonglao, Taiwan là những tiền vệ có chất lượng về phố Núi. Nhưng các hậu vệ Việt Nam sau nhiều mùa bóng cọ xát đã có cách đối phó nên HAGL không còn đáng sợ như trước nữa. Thêm ông Vinh “bạc”, một ông thầy được đào tạo làm bóng đá chuyên nghiệp đã nhiều tuổi, không tham gia vào các quyết sách của HAGL nữa thì cách làm bóng đá nơi đây chỉ còn bầu Đức, một tay quyết cả bầu trời.

Năm 2007, ông bầu Gỗ đã sang tận Arsenal để học tập mô hình đào tạo của CLB Anh quốc nổi tiếng này. Chặt mấy hec-ta cao su để làm sân bóng đá của Học viện bóng đá HAGL- Arsenal, chuyện chỉ có ở bầu Đức. Trong quá trình chờ các học trò trưởng thành, ông bầu này quyết tung “bom tấn lần 2” khi mời giàn sao của đội tuyển Olimpic như Việt Cường, Văn Pho, Thanh Bình (Đồng Tháp) hay Văn Trương (Huế), Lee Nguyễn (tuyển thủ quốc gia Mỹ)..với quyết tâm vô địch V.League 2009, nhưng rốt cuộc cũng chỉ cán đích thứ 6.

 Bầu Đức vẫn thiếu 1 "tham mưu trưởng" đủ tầm như ông Vinh "bạc" ngày đầu. Ảnh ĐT

Sau 1 thập kỷ làm bóng đá, tốn khá nhiều tiền mà ngoài thành công ban đầu, chả nên cơm cháo gì, bầu Đức lại làm đúng với lời khuyên của bầu Thắng, tìm thầy giỏi. Lần này Kiatisuk Saemuang lại tái xuất ở HAGL nhưng với vai trò HLV trưởng, dưới sự chỉ đạo của ông thầy trẻ HAGL đã giành chức vô địch giải bóng đá TP. Hồ Chí Minh mở rộng - Navibank Cup 2010. Nhưng tại V.League 2010 họ cố lắm cũng chỉ cán đích thứ 7.

Mùa giải 2011, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục thực hiện chiến lược trẻ hóa đội hình khi sử dụng nhiều cầu thủ trẻ bên cạnh những cựu binh, cùng những cầu thủ ngoại chất lượng như Allan Wanga, Benjamin, Evaldo Goncalves nhưng Dusit, người kế nhiệm cung thất bại. HAGL chính thức đoạn tuyệt với việc dùng “hàng Thái” kể cả cầu thủ lẫn HLV, chấm dứt “cuộc cách mạng lần thứ 2” của bầu Đức.

Đá cho vui

Năm 2015, bầu Đức "đôn" toàn bộ lứa 1 Học viện HAGL-JMG lên thi đấu tại V-League với hy vọng lứa “trái chín đầu mùa” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn từng làm mưa làm gió tại các giải U19 sẽ đem lại chức vô địch. Khá nhiều người can gián nhưng niềm tự hào và say sưa với những trận đấu đẹp mắt đã khiến bầu Đức format toàn bộ đội hình. Thực tình các học viên khóa 1 của Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal-JMG có thể “làm mưa, làm gió” với bạn cùng trang lứa nhưng khi lên đá V.League thì bị đàn anh dập cho te tua.

 Quả ngọt đầu mùa? Ảnh HAGLFC

 Khi cầm quân mới thấy ông Guillaume Graechen chỉ là ông thầy giỏi về đào tạo chứ không phải là tướng trận, cầm sa bàn chỉ đạo lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn. Sau 6 năm, “cuộc tình” HAGL- Arsenal chấm dứt vào năm 2013 và dù đã thay thêm vài ông thầy thì Minh Vương và các đồng đội chỉ còn biết than: "Thanh xuân như một tách trà. Mãi lo trụ hạng hết  thanh xuân". Nhưng nhưng đóng góp của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Minh Vương cho đội tuyển là có thật, dù gần đây các cầu thủ phối Núi không còn được trọng dụng bằng các cầu thủ Hà Nội FC.

19 năm, 3 cuộc cách mạng tốn đến 2.000 tỷ đồng nhưng bầu Đức chỉ thu về 2 chức vô địch V.League. Về thành tích và cả hiệu quả kinh doanh thì còn nhiều điều phải nói, ông không “gả bán” được nhiều cầu thủ, cũng không có được tổ hợp thương mại đắc địa tại sân Hàng Đẫy như bầu Hiển. Nhưng người hâm mộ vẫn ghi nhận ở đấy một tình yêu, nồn nàn và không tính toán! “Đá cho vui”- chỉ có bầu Đức mới nói và làm như thế.