Mới đây tại Đại hội cổ đông thường niên, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG – HAGL) đã công bố kế hoạch bán tài sản để trả nợ.
Trả 6.400 tỷ đồng nợ ngân hàng
Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản của HAGL là 51.105 tỷ đồng, nợ phải trả là 32.996 tỷ đồng. Hiện tại, phương án tái cơ cấu nợ của HAGL vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Tại thời điểm ngày 30/6, HAG có 12.343 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 14.340 tỷ đồng nợ dài hạn. Mỗi ngày công ty phải trả lãi vay ngân hàng lên tới 5,6 tỷ đồng.
Vì vậy, HAGL đang đối mặt với các vấn đề về thanh khoản và những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đồng ý gia hạn các khoản vay và cho phép HAG hoãn thanh toán vốn vay gốc và lãi vay.
Trước mắt để tạo dòng tiền, cải thiện tình hình thì HAGL phải bán các tài sản các tài sản có thanh khoản như mía đường, thủy điện, bò sữa. Theo lãnh đạo công ty, nhiều khả năng HAG sẽ trả được 6.400 tỷ đồng trong tổng số 26.683 tỷ đồng dư nợ hiện tại.
Cụ thể, HAGL bán Công ty Đường HAGL cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá trị 2.200 tỷ đồng. Công ty đường nằm tại Attapeu, Lào bao gồm một nhà máy chế biến đường công suất 7.000 tấn mía/ngày, một nhà máy nhiệt điện, tổng vốn đầu tư hai nhà máy này là 1.400 tỷ đồng và diện tích trồng mía lớn khá lớn là 6.000 ha.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAG cũng cho biết là Tập đoàn đang trong quá trình bán 2 dự án thủy điện là Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào với tổng giá bán là 2.800 tỷ đồng. Dự án Nậm Kông 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm trong khi Nậm Kông 3 đã xây xong phần móng nhà máy. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, HAGL đã chi 2.535 tỷ đồng vào các dự án này. Theo các đồn đoán thì người mua đã đặt cọc 10% giá trị hợp đồng.
Toàn bộ tiền mặt thu về từ hai thương vụ này là 5.000 tỷ đồng và dự kiến các thương vụ sẽ hoàn tất trước cuối năm. Số tiền này sẽ được dùng để giảm nợ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
HAGL cũng sẽ sớm chuyển nhượng đàn bò sữa 7.500 con hiện tại vì tập đoàn đánh giá không mang lại lợi nhuận.
Bán rừng cao su không dễ dàng
Đối với dự án HAGL Myanmar Center, công ty cũng đang cố gắng bán dự án bất động sản này với giá trên dưới 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, dự án Myanmar (Giai đoạn 1) tạo doanh thu khoảng 4 triệu USD/ tháng và lãnh đạo HAG ước tính từ năm 2017 trở đi, doanh thu hàng năm của dự án này sẽ đạt 50 - 60 triệu USD. Tuy nhiên, việc bán dự án bất động sản ở Myanmar cần nhiều thời gian.
Đặc biệt, bầu Đức cho biết, trong trường hợp xấu nhất, ngoài bán các tài sản trên thì HAGL có thể bán 20.000 ha cao su trong tổng số 38.428 ha cao su (tổng diện tích đất trồng các loại là 89.000 ha) tại tại Lào cho đối tác tiềm năng.
Hiện đã có một số đối tác lớn từ Trung Quốc đang muốn mua với giá 8.000 tỷ đồng. Nhưng việc bán rừng cao su sẽ vấp phải các thủ tục xin phép từ 2 Chính phủ Việt Nam và Lào nên việc bán dự án cao su rất khó khăn.
Hơn nữa giá cao su thành phẩm vẫn đang ở mức thấp và chưa có dấu hiệu đi lên, liệu có đối tác nào sẵn sàng bỏ vào đây số lượng lớn tiền như vậy.
Sẽ kinh doanh chính bằng bò thịt
Mặc dù là HAGL lên kế hoạch bán tài sản nhưng công ty vẫn muốn giữ lại mảng cốt lõi là cao su để chờ thị trường khởi sắc, dầu cọ và các diện tích canh tác nông nghiệp khác sau quá trình tái cơ cấu.
Như vậy, ngoài 38.428 ha cao su tại Lào mà HAGL chưa muốn bán hoặc rất khó bán thì công ty của Bầu Đức còn lại những mảng kinh doanh chính quan trọng nào.
Đó là mảng chăn nuôi, doanh thu từ việc nuôi bò thịt để cung cấp cho các lò mổ tại Hà Nội và TP.HCM đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, 51% doanh thu của HAG. Quy mô đàn bò của HAG hiện khoảng 130.000 con.
Mảng cọ dầu, HAGL vẫn tiếp tục chăm sóc vườn cọ dầu và đã hoàn thành nhà máy chế biến cọ dầu với công suất 45 tấn quả/giờ, quý IV/2016 sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Mảng kinh doanh bất động sản thì HAGL đã chuyển nhượng phần lớn sang cho Công ty An Phú vào năm 2013. Hiện nay, An Phú vẫn đang nợ HAGL lên tới 4.500 tỷ đồng.
Bất động sản cũng là nguyên nhân đem lại khoản lỗ 413 tỷ đồng sau nửa năm do HAGL thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM.
Ngoài ra, HAGL cũng dự kiến sẽ triển khai trồng các loại cây ăn trái tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm tận dụng hết quỹ đất còn dôi dư của công ty.