Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BĐS Hà Nội: Giữa năm sẽ có “sóng”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2011, giới chuyên môn nhìn nhận, dù thị trường còn có thể gặp khó ở một số phân khúc, song nhìn chung nguồn vốn đã dần “hồi sinh” và bất động sản rất có thể sẽ là một bến đáp được nhiều nhà đầu tư chọn lựa.

KTĐT - Năm 2010, diễn biến trên thị trường bất động sản đã không được như kỳ vọng của nhiều chủ đầu tư. Nguyên nhân là bởi tác động của suy thoái kinh tế năm trước đó vẫn còn ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tài chính cũng như tâm lý của giới đầu tư. Còn bước vào năm 2011, giới chuyên môn nhìn nhận, dù thị trường còn có thể gặp khó ở một số phân khúc, song nhìn chung nguồn vốn đã dần “hồi sinh” và bất động sản rất có thể sẽ là một bến đáp được nhiều nhà đầu tư chọn lựa.

Thị trường bất động sản Hà Nội dù chưa có những chuyển biến tích cực, song giá hầu hết các phân khúc tại nhiều khu vực đã nhấp nhổm tăng.

Với nhiều chuyên gia, chuyện nhà đất tăng giá sau mỗi dịp Tết Nguyên đán không phải là một kịch bản bất ngờ, gây sốc cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tăng giá ở khá nhiều các phân khúc trong bối cảnh thị trường chưa mấy sáng sủa như hiện nay khiến cho nhiều người nghĩ đến một kịch bản sốt nóng có thể xảy ra vào cuối năm.

Giá cao vẫn khó mua

Theo thông lệ hằng năm, trước và sau Tết Nguyên đán là dịp thị trường bất động sản có sự chuyển biến tích cực về cầu, bởi sẽ có nhiều người sử dụng khoản tiền tích lũy được sau một năm vào việc mua nhà, đất với mục đích để ở lẫn đầu tư. Do vậy, khi mà cầu có sự biến động thì việc giá bán được điều chỉnh tăng cũng là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Cushman&Wakefiel, dù thị trường vẫn chưa có những cơn sóng lớn, song thị trường căn hộ để bán tại Hà Nội đã hoạt động tốt hơn dự kiến.

Tính đến thời điểm quý 1/2011, đã có khoảng 3.371 căn hộ được tung ra thị trường, chủ yếu là từ các dự án ở phía Tây thành phố, bao gồm các quận Hà Đông, Cầu Giấy, huyện Từ Liêm, Thanh Xuân... Đặc biệt, có đến 41% trong số đó là căn hộ cao cấp.

Giá bán sơ cấp của các phân khúc đều tăng nhẹ so với trước Tết Nguyên đán, hiện giao dịch ở mức 2.560 USD/m2 đối với phân khúc hạng A, còn căn hộ hạng B cũng tăng lên mức 1.380 USD/m2, hạng C có giá trung bình khoảng 900 USD/m2. Tuy nhiên, giao dịch thành công vẫn chủ yếu diễn ra đối với căn hộ có mức giá trung bình trở xuống.

Riêng với đất nền dự án hay đất thổ cư tại các khu vực phía Tây như Dương Nội, Hoài Đức, khu vực giáp huyện Phúc Thọ, Đan Phượng... giá cũng tăng từ 5 -10% so với trước Tết, hiện giao dịch ở mức 30 - 40 triệu/m2, tùy vị trí và phân lô. Ngay cả đất trong khu vực nội thành ở Cầu Giấy, Thanh Xuân có mức giá từ 200 – 300 triệu đồng/m2 nhưng để tìm mua được cũng không phải chuyện dễ.

Đại diện một số sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Phạm Hùng cho biết, số người tìm hỏi mua bất động sản bao gồm cả căn hộ dự án và nhà đất riêng lẻ tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dù lực lượng môi giới được rải khắp các khu vực khách hàng yêu cầu tìm mua nhưng giao dịch thành công vẫn rất hạn hữu vì một phần sản phẩm ít, nếu có thì chủ nhân cũng thường hét cao lên.

Ông Vũ Tiến Thành, nhân viên Sàn giao dịch bất động sản Việt Á, cho hay, theo yêu cầu của khách hàng tìm mua một căn nhà riêng lẻ ở khu vực Mỹ Đình. Lặn lội cả tuần mới tìm được người đồng ý bán với giá 7,7 tỷ đồng, hẹn tối mang tiền đến đặt cọc. Tuy nhiên, đến hẹn khách hàng mang tiền đến thì chủ nhà đã đổi ý với lời giải thích bâng quơ “tiền đang mất giá, không bán nữa. Cả khu vực quanh nhà tôi giờ cũng không ai bán nhà, đất nữa rồi nên nếu muốn mua chắc là khó đấy”, vị chủ nhà cho hay.

Trong khi đó, khảo sát của Cushman&Wakefiel cho thấy, dự kiến có khoảng 13.000 căn hộ sẽ được tung ra từ nay cho đến cuối năm sẽ là một động lực lớn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, thói quen và quan điểm sống ở căn hộ chung cư của người dân Thủ đô dự báo được sẽ thay đổi theo hướng tích cực có thể sẽ khiến áp lực về nguồn cung và giá cả đối với nhà đất riêng lẻ giảm xuống.

Giữa năm sẽ có “sóng”?

Năm 2010, diễn biến trên thị trường bất động sản đã không được như kỳ vọng của nhiều chủ đầu tư. Nguyên nhân là bởi tác động của suy thoái kinh tế năm trước đó vẫn còn ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tài chính cũng như tâm lý của giới đầu tư. Còn bước vào năm 2011, giới chuyên môn nhìn nhận, dù thị trường còn có thể gặp khó ở một số phân khúc, song nhìn chung nguồn vốn đã dần “hồi sinh” và bất động sản rất có thể sẽ là một bến đáp được nhiều nhà đầu tư chọn lựa.

Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinaLand, thị trường có thể sẽ khó khăn cho hết quý 1/2011 hoặc dài hơn là đến giữa năm. Còn sau đó, thị trường sẽ dần hồi phục bởi những hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý mà trong đó nhiều khả năng là lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm.

Cũng theo vị này, thực chất thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua vẫn luôn ẩn chứa những điều kiện để vực dậy do cầu thực trên thị trường vẫn rất lớn. Tuy nhiên, do những bất ổn về vĩ mô buộc cơ quan quản lý phải có những chính sách ổn định, trong đó phần nào tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Chính điều này đã khiến cho các chủ đầu tư bất động sản lẫn khách hàng lâm vào khó khăn.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, thực ra để làm cho thị trường bất động sản nguội lạnh thì chỉ có nhà nước, các cơ quan quản lý là có vai trò chính thông qua các chính sách được ban hành. Còn việc làm cho thị trường “sốt nóng”, bao gồm cả sốt ảo và sốt thật thì vai trò đó lại thuộc về các chủ đầu tư và giới kinh doanh bất động sản.

Vị này dẫn chứng, việc ra hàng của các chủ đầu tư luôn là ngòi nổ cho các đợt “dậy sóng” trên thị trường. Và đáng chú ý, dù có thể không có thỏa thuận ngầm với nhau nhưng mỗi đợt bung hàng của các chủ đầu tư trên thị trường luôn có một điểm chung về mặt thời gian và giá cả. Suốt từ tháng 11/2010 đến nay, không có một đợt mở bán dự án nào trên địa bàn toàn thành phố, trong đó chỉ trong vòng một hai tháng trước đó, hàng loạt các dự án liên tiếp được mở bán và giá cũng leo thang sau mỗi lần.

“Một dự án bất động sản là cả một tài sản quan trọng của một doanh nghiệp, nó có thể sẽ quyết định sự thịnh vượng và tồn tại của doanh nghiệp đó trong tương lai nên việc làm thế nào để thành công luôn được người lãnh đạo đặt lên trên hết. Muốn vậy, chiến lược bán, thậm chí là thủ thuật, ma thuật... cũng luôn nằm đầu của mỗi người chủ dự án. Việc tạo sóng và tạo khi nào để đạt hiệu quả nhất là điều các doanh nghiệp, giới đầu tư bất động sản thuộc như lòng bàn tay”, vị này chia sẻ.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, việc thị trường bất động sản trầm lắng quá cũng gây bất lợi cho các chủ đầu tư lẫn khách hàng. Nếu thị trường ấm dần lên, chủ đầu tư bán được hàng thì cũng đồng nghĩa với đồng vốn của họ quay vòng được, tạo điều kiện để tiếp tục đầu tư vào các dự án khác, qua đó dần dần sẽ tăng nguồn cung. Và một khi nguồn cung được cải thiện thì chắc chắn giá cả cũng sẽ ngày càng ủng hộ khách hàng. Đó mới là điều cả xã hội hướng tới.