Bỏ của chạy lấy người Thực tế tại nhiều dự án bất động sản, chỉ có một vài dự án thực hiện đúng tiến độ. Trong tổng vốn FDI đổ vào bất động sản, chỉ có khoảng 20 – 30% số vốn được giải ngân. Vốn này chủ yếu được dùng vào những chi phí ban đầu như giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Đây là điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Theo ông Michael Modler – Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), giá trị vốn FDI vào bất động sản tại thời điểm 2008 lên đến 23 tỷ USD, sang năm 2009 đột ngột giảm còn 7,4 tỷ USD, đến năm 2010 tiếp tục giảm xuống 6,8 tỷ USD. Vào cuối năm 2011, con số này chỉ còn 845 triệu USD. Tính đến hết tháng 8/2012, vốn FDI vào bất động sản trong nước là 1,7 tỷ USD. Điều đó cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đã bắt đầu sụt giảm từ năm 2008.
Chỉ tính riêng doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc, ông Daekeun Chung, Phó giám đốc Công ty Luật Logos, cho biết, 9 tháng nay chưa có nhà đầu tư Hàn Quốc nào nhảy vào thị trường Việt Nam mặc dù thời gian qua Việt Nam là một trong những khu vực hấp dẫn các doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc. Không những thế, nhiều công ty Hàn còn bị thu hồi dự án hoặc rút vốn bằng hình thức chuyển nhượng dự án. Tính trong quý III, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bị rút giấy phép 2 dự án tại Việt Nam do chậm triển khai. Cụ thể, ngày 5/9, Công ty TNHH Korean DM Lee rút khỏi dự án bất động sản 100 ha trị giá 52 triệu USD tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An. Trước đó 2 tháng, tỉnh Bình Thuận đã chấm dứt thỏa thuận với Công ty MK International về việc đầu tư dự án thành phố sinh thái Ninh Thuận ECC (120 ha) trị giá 900 triệu USD tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, nhiều dự án bất động sản vốn FDI đang trong tình trạng ì ạch triển khai, thậm chí dừng thi công trong thời gian dài. Dự án Booyoung Vina tại Khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông là một ví dụ, từ một dự án hơn trăm triệu USD, qua 6 năm, mảnh “đất vàng” này vẫn hoàn toàn là một bãi hoang. TSQ Việt Nam, Togi Việt Nam, Pacific Land Việt Nam, Pacific Thăng Long… là những “đại gia” được điểm mặt trong số các chủ đầu tư có dự án bất động sản chậm tiến độ tại Hà Nội. Tại Đà Nẵng, dự án sân golf Đa Phước được quy hoạch có diện tích 66 ha, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, chủ đầu tư đã xin chủ trương và được thành phố đồng ý xóa quy hoạch để chuyển sang đầu tư phát triển khu đô thị theo hướng nhà ở biệt thự, cao ốc, công viên. Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước do Công ty TNHH Daewon Cantavil – Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng số vốn 300 triệu USD. Doanh nghiệp nội có dám gom? Khủng hoảng kinh tế, cộng với áp lực về vốn, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản trong đó đa phần là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phải bán tháo dự án của mình để tập trung nguồn lực cho công ty mẹ. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện có 16 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn. Trong đó, có 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho tổ chức kinh tế trong nước và chuyển đổi thành dự án 100% vốn trong nước. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính đã coi đây là cơ hội đầu tư nên mạnh tay thu gom những dự án này. Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, thời điểm này nhà đầu tư dễ dàng mua lại được những dự án tốt. Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) đã phải “bỏ cuộc chơi” tại dự án khách sạn trên đường Phạm Hùng, Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc đã chính thức mua lại. Kinh Bắc còn mạnh dạn xin mở rộng dự án lên đến 800 phòng, lớn hơn nhiều so với quy mô ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký. Công ty phát triển GS Củ Chi đã bán dự án sân golf 200 ha huyện Củ Chi trị giá 24 triệu USD cho Tập đoàn C&T Group. Đầu năm 2012, Công ty đầu tư Daewon Bình Khánh đã xin rút khỏi dự án 2.200 căn hộ thuộc dự án tái định cư Bình Khánh, TP HCM. Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn bất động sản Sohovietnam nhận xét, hiện các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước đang là lực lượng mua chính trên thị trường bất động sản, chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài. Mua lại dự án đã khó triển khai được dự án lại là một vấn đề lớn, kinh tế khó khăn, nguồn tài chính eo hẹp sẽ ảnh hưởng. Những doanh nghiệp nội đủ bản lĩnh mới có thể mua lại những dự án bất động sản từ nhà đầu tư nước ngoài nếu không sẽ xảy ra tình trạng “mua xong để đấy” như dự án khách sạn của Kinh Bắc vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.