Bê bối của Takata và nguy cơ của kinh tế Nhật

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ bê bối của nhà sản xuất phụ tùng ô tô Takata về “bóp méo” và “gian dối” trong khâu xử lý dữ liệu, kiểm nghiệm túi khí an toàn không chỉ đẩy tập đoàn này đối mặt với nguy cơ phá sản, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu “Made in Japan” của Nhật Bản.

 Hãng Takata chịu trách nhiệm trong vụ bê bối lỗi túi khí làm nhiều người thiệt mạng.

Takata là nhà cung cấp chế tạo túi khí lớn cho các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản và toàn cầu với thị phần lên tới 20%. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng thị phần tại châu Âu và Bắc Mỹ của “gã khổng lồ” này đã bị chặn đứng sau khi các túi khí do Takata cung cấp là nguyên nhân khiến hơn 100 người bị thiệt mạng. Lỗi túi khí của Takata đã dẫn tới vụ thu hồi ô tô lớn nhất lịch sử thế giới từ các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản… Bê bối túi khí đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô lao đao và đẩy Takata đối mặt với khoản nợ lên tới 1.000 tỷ Yên (khoảng 10 tỷ USD). Giá cổ phiếu của Takata trên thị trường chứng khoán đã giảm tới 90% kể từ đầu năm 2014 khi vụ bê bối bùng phát và gần như trở thành “giấy vụn” sau khi thông tin tiết lộ cho thấy lãnh đạo tập đoàn này đã “giấu nhẹm” lỗi túi khí thay vì công khai.
Có ít nhất 9 nhà sản xuất ô tô khác cũng bị ảnh hưởng bởi lỗi túi khí Takata, trong đó hãng xe Honda nắm 1,2% cổ phần và là khách hàng lớn nhất của Takata bị thiệt hại đáng kể. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã quyết định phạt Honda mức kỷ lục 70 triệu USD do không báo cáo hơn 1.700 trường hợp tử vong và chấn thương trong 11 năm. Bê bối của Takata và gian lận của Mitsubishi, Suzuki bị công bố thời gian qua đã giáng mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản, tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Sau nhiều năm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế bằng niềm tin về công nghệ hoàn hảo, độ chính xác tuyệt đối và độ tin cậy tối ưu của người tiêu dùng, sản phẩm “Made in Japan” sau bê bối của Takata bị lung lay nghiêm trọng. Bê bối của Takata có thể dẫn tới hiệu ứng domino cho công việc kinh doanh của các tập đoàn khác khi làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản. Trên thực tế, ô tô Nhật Bản không còn là lựa chọn của người tiêu dùng và buộc các tập đoàn này phải trải qua các cuộc tái cơ cấu khắc nghiệt, sa thải hàng nghìn nhân viên. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng là ngành công nghiệp ô tô lớn thứ 3 toàn cầu vốn tự hào sở hữu ít nhất 8 thương hiệu xe hơi hàng đầu sẽ phải chứng kiến những vụ sáp nhập, hợp nhất lớn trong vòng 5 năm tới.
Diễn biến này phần nào hé lộ điểm yếu “chết người” của nền kinh tế Nhật khi phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp xe hơi. Các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ ngày càng có yêu cầu cao hơn về mức độ tiêu thụ nhiên liệu, khí thải. Điều này gây khó khăn cho các DN sản xuất ô tô Nhật Bản quy mô trung bình bởi họ không có nhiều tiền đầu tư cho nghiên cứu, phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần