Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bế mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã chính thức bế mạc vào chiều 6/5.

KTĐT - Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã chính thức bế mạc vào chiều 6/5. Thống đốc Philippines sẽ là Chủ tịch Hội đồng các Thống đốc ADB 2012.

Chiều nay, 6/5, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp toàn thể thứ hai Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu làm chủ tọa. Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch ADB Kuroda đánh giá cao vai trò tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam.

Ông Kuroda nhấn mạnh: “Những ngày qua chúng ta đã thảo luận những vấn đề trọng tâm tác động đến khu vực châu Á; các bước cần tiến hành để củng cố những kết quả đã đạt được sau khủng hoảng. Chúng tôi vui mừng nhận thấy một vài thập kỷ tới, khu vực châu Á sẽ có tiềm năng để sánh vai cùng các nền kinh tế và các trung tâm kinh tế lớn hiện nay nếu chúng ta có đầy đủ các điều kiện thực hiện tất cả các chính sách mà chúng ta đặt ra.
 
Chúng ta mong muốn có được sự tăng trưởng toàn diện bền vững và thân thiện về môi trường, đầu tư vào lĩnh vực công như giáo dục, mạng lưới an toàn xã hội, thách thức tốt… để rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển.”
 
Theo ông Kuroda, phát triển nền kinh tế xanh, nguồn năng lượng mới, sử dụng tài nguyên nước hợp lý sẽ giúp tăng trưởng bền vững hơn. Chúng ta cần tập trung nguồn lực để giải quyết biến đổi khí hậu, thiên tai. Sự phát triển cũng như sự hồi phục nhanh chóng của khu vực châu Á sau khủng hoảng đã cung cấp cho chúng ta một cơ hội đặc thù để tận dụng các cơ hội này phát triển trong tương lai, để người dân có thể hưởng lợi được từ quá trình phát triển.
 
Điều này đòi hỏi sự phản ứng, ứng phó ở cấp quốc gia cũng như quốc tế; cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển toàn diện này ở cấp khu vực. Nền kinh tế châu Á có thể hợp tác với nhau nhiều hơn nữa để có thể mở ra một tương lai xán lạn hơn.

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cảm ơn tình cảm và những đánh giá tốt đẹp của Chủ tịch ADB cũng như các nước tham dự về việc tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 44.

Hội đồng Thống đốc đã nhất trí cho rằng, là một khu vực kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng, châu Á cần khẳng định vai trò lớn hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu; đặc biệt là cải cách hệ thống tiền tệ thế giới, góp phần tạo lập sự cân bằng và ổn định bền vững của hệ thống tài chính.
 
Các thống đốc đã dành nhiều thời gian để thảo luận và đề ra phương hướng đối phó với các thách thức hiện hữu của khu vực và thế giới như: lạm phát cao, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, vượt bẫy thu nhập trung bình...

Hội đồng Thống đốc bày tỏ mong muốn ADB, với tư cách là một định chế tài chính đa phương hoạt động vì mục tiêu giảm đói nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ưu tiên hơn nữa trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển hạ tầng, giải quyết các “nút thắt” tăng trưởng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế...

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tin tưởng: “Sự phát triển kinh tế của châu Á, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, rõ ràng càng khẳng định tính năng động của khu vực.
 
Khả năng phục hồi nhanh của khu vực cũng nói lên những cải cách và tái cơ cấu thành công của các nước sau cuộc khủng hoảng 1997 - 1998. Đồng thời, hợp tác mạnh mẽ đã giúp cho khu vực đối phó thành công với cuộc khủng hoảng, giúp chúng ta tự tin tham gia hành động cùng hướng tới tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo thiên niên kỷ.”
 
Theo Thống đốc Áo, châu Á dẫn đầu về phục hồi kinh tế sau khủng hoảng và là lực đẩy cho quá trình phát triển kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối phó với nhiều thách thức như lạm phát, giá lương thực thực phẩm, giá dầu tăng cao; sự bất ổn của các dòng vốn…
 
Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ADB trong việc hỗ trợ các nước châu Á và mong muốn ADB nên hỗ trợ các nước giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các thể chế tài chính…

Thống đốc Bồ Đào Nha F. Teixeira dos Santos đề cập đến việc tăng nguồn vốn cho ADF giúp tăng cường năng lực của ADB, có thể huy động đóng góp của các nước lớn trong khu vực, tăng cường kết nối kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Vai trò của khu vực tư nhân là rất quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế châu Á, đặc biệt nhấn mạnh sử dụng vốn tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn nước… tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững.”

Còn theo Thống đốc Luxembourg: “Châu Á cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu xóa đói giảm nghèo, kiềm chế lạm phát. ADB không chỉ hỗ trợ tài chính mà cần đẩy mạnh các hợp tác đa phương và song phương khác; tập trung hỗ trợ cải cách thể chế, phát triển khu vực tài chính; quan tâm đến các nước, các khu vực nghèo, bổ sung nguồn tài chính cần thiết.”
 
Ông cũng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển, các nhà tài trợ tích cực hỗ trợ quỹ ADF của ADB để đảm bảo sự chắc chắn về tài chính.

Kết thúc phiên họp phiên họp toàn thể lần thứ 2 đồng thời là phiên bế mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, các đại biểu đã nhất trí Manila, Philippines sẽ là địa chỉ tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 45, từ ngày 4 - 5/5/2012. Thống đốc Philippines được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc vào năm 2012.