Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Belarus: Dụng đòn gió để không đòn thật

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình chính trị xã hội ở Belarus tiếp tục diễn biến phức tạp và ẩn chứa biến động bất ngờ.

Mức độ khó xử đối với Nga và EU tăng theo tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng tính bất định và khó lường của diễn biến tình hình ở bên trong Belarus. Thùng thuốc nổ ở bên trong Belarus có nổ tung hay không hoặc nổ tung vào thời điểm nào phụ thuộc cả vào quan điểm thái độ và hành động cụ thể của EU và Nga.
Belarus đang như một quả bóng trong cuộc chơi giữa EU và Nga bởi EU muốn lôi kéo Belarus về phía mình trong khi Nga muốn giữa Belarus ở trong phạm vi ảnh hưởng. EU cho rằng hiện đang có cơ hội mới và thuận lợi hơn rất nhiều những cơ hội đã từng thấy có trước đó để tạo nên những thay đổi về chính trị xã hội từ bên trong Belarus mà rồi khiến đất nước này tự dần xa rời Nga và xích lại gần EU.
Còn Nga không thể không để ý thấy là chưa khi nào từ trước đến nay EU có triển vọng thực tế đạt được mục tiêu đề ra ở Belarus và với Belarus như hiện tại. Cho nên Belarus bây giờ không chỉ đơn thuần là chuyện an ninh và ổn định chính trị xã hội của riêng Belarus mà còn là chuyện về cục diện quan hệ giữa Nga và EU trong tương lai.
Chính vì thế, phía EU gia tăng mức độ công khai ủng hộ phe đối lập ở Belarus và trừng phạt tổng thống nước này Alexander Lukashenko và một số cộng sự. Mục tiêu cụ thể của EU là ông Lukashenko không được tiếp tục cầm quyền nữa sau 26 năm cầm quyền liên tục.
Cách làm của EU là gây áp lực đối với ông Lukashenko mạnh mẽ đến mức người này phải tự nguyện rời bỏ quyền lực hoặc phải cho tiến hành bầu cử tổng thống lại với sự giám sát quốc tế mà EU tin rằng ông Lukashenko không thể tái đắc cử được.
Nói theo cách khác, EU chủ ý tác động để ở Belarus tự bùng phát chính biến hoặc cách mạng màu như đã xảy ra ở Gruzia và Ukraine.
Đối với Nga, điều quan trọng và quyết định hiện tại ở Belarus không phải là ông Lukashenko tiếp tục cầm quyền hay ra đi hoặc tiến hành bầu cử tổng thống lại mà Belarus vẫn gần Nga chứ không sa vào quỹ đạo của EU và Nato.
Cái khó đối với Nga ở Belarus là nếu bảo vệ ông Lukashenko tại vị bằng mọi giá thì sẽ khiến bộ phận dân chúng không nhỏ ở Belarus bất bình vì những người này hiện chống đối ông Lukashenko rất quyết liệt và Nga đồng thời phải đối phó cả EU. Nhưng nếu ủng hộ những người phản đối ông Lukashenko thì Nga gặp nhiều rủi ro chính trị và an ninh lớn ở Belarus và như thế thì đâu có khác gì giúp EU làm bàn ở Belarus.
Cho nên cách ứng phó của Nga là chơi con bài thời gian, tức là không chống bất cứ bên nào. Kéo dài thời gian để ông Lukashenko tự xử lý chuyện quyền lực nhà nước với phe đối lập ở Belarus. Kéo dài thời gian để ngăn chặn và vô hiệu hoá mọi hình thức và mức độ can thiệp trực tiếp cũng như gián tiếp của EU vào diễn biến tình hình chính trị xã hội nội bộ ở Belarus.
Tình thế ở Belarus trở nên càng thêm bất lợi thì ông Lukashenko càng phải dự cậy vào Nga và thậm chí phải chính thức yêu cầu Nga can thiệp quân sự để bình ổn tình hình. Nhưng đấy lại chính là kịch bản hành động xấu nhất đối với Nga mà Nga phải tránh bằng mọi giá. Vì thế, Nga phải tung đòn gió để tránh bị buộc phải chơi đòn thật.
Cú đòn gió của Nga bao hàm trước hết tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Nga đã chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng an ninh để đưa sang Belarus giúp đảm bảo an ninh và ổn định chính trị xã hội, một lực lượng an ninh đặc biệt chứ không phải quân đội Nga.
Thông điệp của Nga là Nga sẽ không để ở Belarus xảy ra chính biến hay cách mạng mầu và thông điệp này được gửi tới cả ông Lukashenko lẫn phe đối lập ở Belarus và EU. Nói theo cách khác, Nga muốn cả ba phe kia ý thức được rằng Nga đóng vai trò quyết định và ai muốn làm gì thì cũng phải lưu ý thoả đáng đến lợi ích và thái độ của Nga.
Răn đe và cảnh báo như thế giúp Nga vừa không bị "mất" Belarus lại vừa không bị buộc phải dùng đến biện pháp can thiệp quân sự trực tiếp.
Một nội hàm nữa của cú đòn gió này là tác động trực tiếp vào phe ông Lukashenko. Bộ trưởng ngoại giao Belarus đã tới Nga và Nga cho biết thủ tướng Nga sẽ công du Belarus. Nga thể hiện nắm thế chủ động chứ không để EU chi phối và dẫn dắt.
Nga muốn ông Lukashenko nhận thức là phải thay đổi và người dân ở Belarus là Nga nỗ lực trung giản hoà giải giữa phe chính phủ và phe đối lập chứ không chủ trương can thiệp quân sự. Belarus đang đẩy Nga đến trước thách thức mới mà việc vượt qua nó không dễ dàng chút nào đối với Nga.