Theo thống kê của Cục CSGT, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, cả nước, phát hiện gần 5.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn, trong đó lực lượng CSGT TP Hà Nội xử lý 244 trường hợp. Điều đó cho thấy, “ma men” vẫn hàng ngày xuất hiện trên đường phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nguy hại đến tính mạng của con người. Bởi thực tế, trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện vi phạm về quy định về nồng độ cồn vẫn diễn ra. Ví như vụ tài xế say xỉn lái xe ô tô mang BKS: 30H - 758.03 đâm hàng loạt xe máy tại cây xăng đường Láng, Hà Nội, hay vụ việc cả gia đình 3 người thiệt mạng do bị một tài xế say xỉn đâm phải tại Bắc Giang, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/lít khí thở.
Có thể thấy rằng, vấn đề tài xế sử dụng bia, rượu sau đó vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa bao giờ hết nóng, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần. Việc gặp gỡ, uống rượu, bia từ lâu đã trở thành văn hóa của người Việt Nam. Bản chất việc uống rượu bia vào những dịp cuối năm, gặp mặt tổng kết hay đầu năm mới không phải là xấu. Tuy nhiên, việc thiếu ý thức khi điều khiển phương tiện ngay sau khi uống rượu, bia lại là hành động đáng bị lên án mạnh mẽ.
Quy định tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng. Có thể nói, quy định của pháp luật đã rất nghiêm khắc nhưng những bóng “ma men” vẫn luẩn quẩn ngoài đường phố cho thấy, vẫn có một bộ phận người thiếu ý thức khi tham gia giao thông, coi nhẹ tính mạng của bản thân cũng như những người xung quanh.
Trước thực tế đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe” của Nhân dân Thủ đô. Để việc xây dựng văn hóa giao thông, “đã uống rượu, bia - không lái xe” cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn thể các sở, ban, ngành, đơn vị của TP; UBND các quận, huyện, thị xã, đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân một cách thường xuyên, liên tục.
Việc giảm thiểu tình trạng người dân say xỉn khi tham gia giao thông cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực toàn diện của cả cộng đồng, bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình. Mỗi ngày khi người thân ra khỏi nhà, gia đình cần nhắc nhở họ đã uống rượu, bia thì không lái xe. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ nhau bằng cách đưa đón sau khi tiệc tùng, chúc tụng, không nên trách móc nặng lời khiến người lỡ say đã mất kiểm soát bởi cái tôi cá nhân.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc dựng văn hóa giao thông. Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chiến dịch cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cho thấy kết quả rất tích cực nhưng hết chiến dịch, vi phạm tái diễn. Thực tế đó đòi hỏi sự tập trung, bền bỉ trong tuần tra, xử phạt của lực lượng chức năng, không lơi là, buông lỏng qua đó, tạo sức mạnh răn đe vi phạm.