Con ngõ này nằm giữa tổ dân phố 14 và 15 phường Kiến Hưng vốn nhộn nhịp là vậy, nhưng nay vắng vẻ khác thường |
Những tấm lòng vì người hoạn nạn
Từ ngày 7/5, Bệnh viện K cơ sở 3 ở Tân Triều đã tạm thời bị phong tỏa do có bệnh nhân nhiễm Covid-19, cùng với đó là 2 tổ dân phố 14 và 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Chiều 15/5, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận cuộc sống người dân đang sinh sống tại 2 tổ dân phố này.
Trước đây, tuyến ngõ giáp danh 2 tổ dân phố trên luôn có đông người kinh doanh buôn, bán, chủ yếu phục vụ nhu cầu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Thế nhưng, bây giờ ở đây nhịp sống trầm lắng, mọi người ai nấy ngồi trong nhà đăm chiêu nhìn ra ngoài đường.
Do đây là khu vực đang cách ly nên mọi giao dịch dừng ở hàng rào chắn đầu ngõ. Tất cả hàng hóa cứu trợ của các đơn vị cũng để phía ngoài chờ cán bộ của tổ dân phố ra tiếp nhận đưa vào chia cho các gia đình.
Hàng hóa chuyển vào 2 tổ dân phố sẽ được dừng tại đây. Đại diện của tổ dân phố sẽ tiếp nhận và chia quà hỗ trợ cho bà con. |
Theo Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 15 Nguyễn Lê Cường, Tổ dân phố lập danh sách những hộ nào có người bệnh, người nhà bị phong tỏa tại đây. Trên cơ sở đó tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để chia cho đảm bảo công bằng, giúp cho các bệnh nhân vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Bà Võ Thị Thạch (quê ở Hà Tĩnh), chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều đã 9 tháng nay. Bà thuê nhà trọ ở Tổ 15, phường Kiến Hưng. Lúc đầu nghe tin Bệnh viện bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, bà rất hoang mang lo sợ. Bởi tiền bạc dần cạn kiệt, đồ ăn thức uống cũng hết, tiền nhà trọ cũng không biết lo ở đâu ra. Ở cũng dở và về quê cũng không được. Bà còn cả một quãng thời gian dài phải trị xạ ở phía trước.
Nhưng rất may, chủ nhà ở đây động viên, coi bà như người nhà. Bà Võ Thị Thạch chia sẻ: “Lúc đầu mới phong tỏa, tôi hoang mang lắm, nhưng bây giờ ở đây như một mái ấm, gia đình của mình. Chủ nhà rất quan tâm, hỗ trợ. Thiếu thực phẩm, gạo, nước uống tôi đều được các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ ở đây quan tâm. Thiếu gạo thì có gạo, thiếu thực phẩm, chúng tôi có thực phẩm. Nhiều nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ cho bệnh nhân chúng tôi. Bây giờ tôi yên tâm ở lại đây chờ đến khi dỡ bỏ phong tỏa và tiếp tục chữa bệnh”.
Cũng giống bà Thạch, bà Hà Thị Sử ở Bắc Giang. Bà đã chữa bệnh từ tháng 8/2020. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì thời gian chữa bệnh của bà cũng sẽ nhanh hơn.
“Lúc đầu mới phong tỏa tôi cũng lo sợ lắm. Bởi quê xa, chữa bệnh đã lâu, kinh tế khó khăn. Bây giờ lại gặp dịch bệnh Covid-19 thì khó khăn vô vàn. Nhưng chủ nhà coi tôi như người nhà. Tôi thiếu gì gia đình cho, nếu không có thì mua hỗ trợ. Các nhà hảo tâm, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ tôi gạo, trứng, mì tôm. Lương thực và thực phẩm, nước uống không thiếu gì. Bây giờ chỉ mong sao nhanh hết dịch để sớm trở lại bệnh viện chữa bệnh, để sớm được về nhà”. Bà Sử xúc động nói.
Chi hội trưởng, Chi Hội Phụ nữ Tổ 15 Trần Thị Tuyến cho biết: Nhìn chung bệnh nhân ở các nơi khác đến đây chữa bệnh họ rất khó khăn về tài chính. Thế nhưng những ngày qua, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn quận đã hỗ trợ rất nhiều, trong đó có công an, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ quận và một số nhà tài trợ, hỗ trợ như: Gạo, sữa, trứng, rau, củ quả. Có những lúc bà con thiếu rau, thịt, thực phẩm, Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ đã lập danh sách, gửi những người ở bên ngoài mua giúp cho bà con.
Còn đó những hoàn cảnh khó khăn
Được biết, thời gian gần đây, có rất nhiều đoàn từ thiện đến chia sẻ khó khăn cùng với những bệnh nhân chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều đang trú trọ ở phường Kiến Hưng.
Riêng Công an quận và Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tặng quà với trị giá 60 triệu đồng cho bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của Bệnh viện K. Hội Chữ thập đỏ quận Hà Đông đã kêu gọi, hỗ trợ khoảng 180 triệu đồng cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bác sĩ tại Bệnh viện K. Chị em phụ nữ phường phát quà tặng, mua bán đồ ăn, tặng quà cho bệnh nhân và Trạm Y tế phường nhằm hỗ trợ các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch.
Những tấm lòng sẻ đã giúp cho nhiều người bệnh quên đi lo lắng, bệnh tật, khó khăn về kinh tế để yên tâm ở lại chữa bệnh khi hết dịch. Tuy nhiên, vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn do thời gian chữa bệnh dài.
Quán cơm đóng cửa, mọi dịch vụ đều không hoạt động khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Bệnh viện K. Người phụ nữ này chỉ biết ngồi đó trồng chờ nguồn hỗ trợ ở bên ngoài. |
Đặc biệt là chị Lê Thị Hương, quê ở Tuyên Quang (trọ ở tổ 14), đã chữa bệnh ở đây lâu năm. Chị bị ung thư vú, rồi nay lại bị ung thư tụy. Không những vậy, 2 con của chị cũng bị ung thư, chồng ốm đau. Nếu không có dịch bệnh thì hàng ngày sau giờ trị xạ, chị lại phụ giúp cho quán cơm mỗi tháng được 6 triệu và làm thêm nếu ai thuê mướn để lấy tiền chữa bệnh.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 ập đến, quán cơm đóng cửa, mọi hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ. Chị không có việc làm, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm thì chừng đó là chưa đủ. Nói về hoàn cảnh của chị, rất nhiều người dân ở đây chia sẻ, hoàn cảnh của chị rất đáng thương, mọi người trong xóm phố giúp đỡ nhiều, nhưng với 3 mẹ con chị đều bị ung thư thì cần những nhà hảo tâm có tiềm lực về tài chính, giúp chị vượt qua những khó khăn này.
Người phụ nữ này hàng ngày phải bán trái cây để lấy tiền chi tiêu và chữa bệnh. Khi bị phong tỏa gánh hàng của chị vắng bóng người mua. |
Không chỉ có chị Hương, theo phản ánh của Chi hội Phụ nữ tổ 15, trong số những người đi chữa bệnh ở Bệnh viện K có khá nhiều người phải đi làm thêm để lấy tiền chữa bệnh. Dịch bệnh khiến cho công việc mưu sinh của họ không còn. Với sự hỗ trợ hiện nay, họ chỉ đảm bảo được việc sinh hoạt thường ngày, còn tiền chữa bệnh khi dịch bệnh qua đi là rất khó khăn.
Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông có 777 người liên quan đến bệnh viện K Tân Triều, đều là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người cho thuê trọ trên địa bàn. Trong đó, 2 tổ dân phố 14 và 15 có 308 người liên quan đến Bệnh viện K đang ở trọ, trong đó có 179 người là bệnh nhân đang điều trị và 134 người nhà. |