Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh sởi đang tăng mạnh ở Hà Nội

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội tăng lên 240 trường hợp, gấp 4 lần tổng số ca năm 2017. Đây là căn bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan nếu trẻ mắc bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng thời gian để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh là khuyến cáo hàng đầu của các chuyên gia y tế.

 Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Công Hùng 
Báo động tại nội thành
Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện. Đặc biệt, các quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa… có số ca mắc cao hơn các năm trước. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hiện đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Hầu hết các trường hợp mắc là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch. “Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng, nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Nếu trẻ nhỏ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi mà chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ thì khả năng mắc bệnh rất cao" – ông Cảm nhấn mạnh.

Như trường hợp chị Phạm Thị Thanh Hòa (quận Nam Từ Liêm) có con hơn 9 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, theo lịch, cách đây 15 ngày phải đưa con đi tiêm phòng sởi, nhưng đúng đợt đó cháu lại sốt mọc răng nên gia đình lùi lại. “Cách đây 5 ngày cháu có biểu hiện sốt kèm theo ho, chảy mũi, xuất hiện một vài nốt đỏ dưới da nên tôi đưa vào đây khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc sởi. Sau đợt này, tôi sẽ cho cháu đi tiêm bù” – chị Hòa cho hay.

Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong tuần qua nhiều gia đình đã đưa con đến tiêm vaccine phòng sởi, không ít trường hợp trẻ trong số đó bị tiêm muộn 1 – 2 tháng.

Tiêm phòng sởi trước mang thai

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, để phòng bệnh tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, các trung tâm y tế đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Đặc biệt, đến nay Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần, thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Tuy nhiên, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để ngăn không cho dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, qua một thời gian theo dõi, TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần tiêm vaccine phòng bệnh sởi – quai bị - rubella để phòng bệnh cho cả mẹ và con trong giai đoạn con chưa đến tuổi tiêm chủng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội giám sát chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai xử lý ổ dịch. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi.

Để phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện cũng phải có phòng khám phân loại riêng ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn ngay tại cổng bệnh viện, bố trí khu điều trị cách ly và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân cũng như bảo đảm chuyển tuyến an toàn với những bệnh nhân quá khả năng điều trị và tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh