Tại Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, TP, tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. Nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA. Bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng về tim (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim), về não (xuất huyết não, nhũn não…), về thận (đái ra protein, phù, suy thận), về mắt (mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị), về mạch máu (phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi).
Đa số các bệnh nhân bị THA thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề. Mặt khác, khoảng 90% bệnh nhân bị THA không rõ nguyên nhân (còn gọi là THA nguyên phát). Do đó, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng.Mặc dù chúng ta đã hiểu rõ sự phổ biến và mức độ nguy hiểm của bệnh THA, nhưng cho đến nay, THA vẫn tồn tại 3 nghịch lý, đó là: Đây là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo HA khá đơn giản) nhưng mọi người thường không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ; THA là bệnh có thể điều trị nhưng số người được điều trị không nhiều; Căn bệnh này có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được “HA mục tiêu” lại không nhiều.Cũng theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, 30% số người biết bị THA nhưng không điều trị; 64% số người biết bị THA, đã được điều trị, nhưng không đạt HA mục tiêu. Vì sao lại tồn tại những nghịch lý này? Đó là do nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực. Việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong phòng, chống bệnh THA nhưng áp dụng trong thực tế lại không đơn giản.
Bên cạnh đó, người bệnh THA thường hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… làm cho việc khống chế số đo HA càng khó khăn hơn. Việc điều trị THA cần phải được thực hiện một cách liên tục và lâu dài, tuy nhiên trên thực tế nhiều người bệnh chưa thực hiện đúng, có thể do người bệnh tự lầm tưởng là bệnh đã khỏi, hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn nên không tiếp tục mua thuốc uống. Bệnh THA hoàn toàn có thể phòng chống, nếu mọi người thực hiện tốt các nguyên tắc sau: Giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều chất béo bão hòa; không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); tập thể dục đều đặn hàng ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh các căng thẳng, lo âu, nên tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ; kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình; kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.GS.TS Nguyễn Lân Việt Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam