Nhiều biện pháp chống rét cho người bệnhSong song với việc bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19, trong những ngày lạnh giá, Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội, BV Tim Hà Nội, BV đa khoa Xanh pôn… đã có những giải pháp chống rét kịp thời để bảo đảm cho bệnh nhân khám ngoại trú cũng như điều trị nội trú không bị ảnh hưởng. Hầu hết các phòng chờ, phòng khám của các BV đều có lò sưởi, điều hòa hai chiều khiến cho người bệnh đến khám bệnh và điều trị tại đây rất yên tâm. Còn tại khoa điều trị của các BV, nhiều thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân như chăn, lò sưởi, các thiết bị giữ ấm... cũng được tăng cường tại các buồng bệnh nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.
Ngoài việc cung cấp đủ chăn, đệm cho bệnh nhân, che chắn chống gió lùa qua hệ thống cửa kính, các BV đã tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân được mang thêm chăn ấm vào viện. Các suất ăn trong BV được phục vụ tận buồng bệnh, thức ăn đủ ấm và đảm bảo dinh dưỡng. Tại các phòng mổ, hồi sức tích cực, cấp cứu… luôn có máy điều hòa nóng, lò sưởi để bệnh nhân không bị lạnh trong quá trình tiến hành các thủ thuật.
Tại BV Phổi Hà Nội, những ngày lạnh giá, trung bình một ngày có khoảng hơn 100 bệnh nhân đến khám và điều trị, tăng 10-20% so với thời điểm bình thường. Thậm chí, có những ngày, số bệnh nhân tăng đột biến thêm khoảng gần 40 bệnh nhân/ngày. Giám đốc BV Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cho biết, trước đợt rét này, BV đã triển khai nhiều giải pháp chống rét cho người bệnh và tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân có nơi chống rét. Bên cạnh đó, BV cũng bảo đảm đủ cơ số thuốc, giường bệnh sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết lạnh. Ngoài ra, BV tiếp tục có nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát người ra vào, rà soát quy trình khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh Covid -19.
Trong khi đó, tại khoa Nhi tiêu hóa–Dinh dưỡng–Lây, BV đa khoa Xanh Pôn, nếu như trước đó, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 5-6 bệnh nhi/ngày nhưng những ngày gần đây, số bệnh nhi tới khám và nhập viện tăng lên gấp 2-3 lần do ảnh hưởng của thời tiết lạnh. “Thời tiết giá rét kéo dài dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp đối với trẻ nhỏ, do đó, trẻ cần được giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt cần theo dõi các triệu chứng nặng, nguy hiểm như: Sốt cao, co giật, khó thở... và đưa trẻ nhập viện ngay, không tự ý mua thuốc, nhất là kháng sinh tự điều trị trẻ ở nhà”- TS Ngô Thị Thu Hương- Phó trưởng khoa Nhi tiêu hóa – Dinh dưỡng –Lây, BV đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh.
Càng lạnh càng dễ mắc bệnhCòn theo TS Vũ Quỳnh Nga-Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội, thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến các bệnh về tim mạch gia tăng. Đặc biệt, với người cao tuổi, người có sẵn bệnh nền, khi thời tiết chuyển lạnh càng dễ có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, những ngày trời lạnh như hiện nay, trung bình một ngày, BV tiếp nhận 1.400-1.500 bệnh nhân, tăng 10-20% so với thời điểm bình thường. Để bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19, tất cả người dân đến thăm khám phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh, đo thân nhiệt và kê khai y tế dưới sự hướng dẫn của nhân viên bệnh viện tại chốt sàng lọc.
TS Vũ Quỳnh Nga cho rằng, mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thêm vào đó, thời tiết lạnh cũng làm tăng tiết các catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Riêng với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Đặc biệt, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm khuya…, nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Ngoài ra, với những người bị bệnh đái tháo đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
TS Vũ Quỳnh Nga khuyến cáo, để dự phòng các tai biến vào mùa lạnh, cơ thể cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt đối với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. “Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, người dân cần tránh ăn mặn, vì nó có thể dẫn tới cao huyết áp. Ngoài ra, mỗi người nên ăn ít những đồ ăn giàu mỡ, nhiều cholesterol, như: Thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ..., nên ăn đồ luộc, tránh đồ chiên rán và nên ăn nhiều rau, quả, uống nhiều nước. Ngoài ra, dù trời lạnh, người dân vẫn nên tăng cường vận động thể lực. Tuy nhiên, người dân cần tránh tập thể dục ngoài trời vào lúc sáng sớm, tránh bị cảm lạnh đột ngột. Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được khám theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời”- TS Vũ Quỳnh Nga lưu ý.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, người bệnh cần tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, mỗi cá nhân không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi. Khi tắm rửa, cần tắm nơi kín gió, làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần nhớ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhất là trường hợp bị tăng huyết áp. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế.