Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai hiệu quả

Trần Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS)luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, do đó các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Có mặt trong buổi trao tặng thẻ BHYT miễn phí cho người dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chị Thị Ưng, 29 tuổi, người dân tộc S'tiêng trú tại xã Đường 10 không khỏi xúc động khi cầm trên tay tấm thẻ BHYT do lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Bù Đăng trao tặng. 

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai
Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai

Chị cho biết từ nay không phải lo lắng về tiền trả viện phí mỗi khi con nhỏ ốm đau phải vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Chị Ưng cho biết trước đây gia đình chị thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng do chính sách thay đổi, năm nay gia đình phải tự mua thẻ và được hỗ trợ một phần. Thời gian qua vợ chồng chị cùng hai con nhỏ 6 và 11 tuổi đều chưa từng có thẻ BHYT. Lý do theo chị Ưng, cuộc sống của 2 vợ chồng khó khăn, số tiền có được chỉ trông chờ vào những buổi làm thuê theo thời vụ. Tuy nhiên, với số tiền thu nhập ít ỏi, khoảng 2-3 triệu đồng/tháng nên tiền ăn nhiều lúc cũng không đủ nên cả hai chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua thẻ BHYT cho cả nhà. “Có lúc con nhỏ bị bệnh phải đi bệnh viện, gia đình chỉ biết sang họ hàng, làng xóm vay mượn tiền để chữa bệnh cho con”- chị Ưng chia sẻ.

Là người dân tộc Khmer, thuộc diện gia đình hộ cận nghèo, những năm qua, gia đình ông Lâm Ngọc Hồng, ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đều được cấp thẻ BHYT. Cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, không ruộng nương, sống bằng nghề làm thuê và mua bán nhỏ, trong năm vừa rồi ông bị bệnh phổi ứ nước. Nhờ có thẻ BHYT, tiền thuốc men hàng tháng của ông được Quỹ BHYT chi trả, vì vậy gia đình đỡ phần gánh nặng.

“Trước đây, tôi nghĩ tham gia BHYT chỉ đỡ đi phần nào chi phí khám, chữa bệnh. Nhưng khi tôi bị bệnh phải điều trị lâu dài, lúc đó tôi mới hiểu rằng tấm thẻ BHYT có giá trị vô cùng to lớn. Với khó khăn như chúng tôi, nếu bị bệnh mà không được Quỹ BHYT chi trả, cuộc sống chắc còn khó khăn hơn” - ông Hồng chia sẻ.

Chị Hồ Thị Đa ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) cũng nhờ có thẻ BHYT nên khi nằm viện điều trị bệnh viêm màng não, gia đình chị không phải thanh toán viện phí. “ĐBDTTS chúng tôi cái ăn, cái mặc còn khó, nói chi đến lo chăm sóc sức khỏe. Nhờ có thẻ BHYT, đi viện điều trị, chúng tôi không mất viện phí, còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại và đau ốm có bác sỹ lo, nên yên tâm lắm", chị Đa chia sẻ.

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng,Nhà nước và chính quyền các địa phương, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực BHYT cho ĐBDTTS đã được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách BHYT dành cho ĐBDTTS thời gian qua đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Nhiều trường hợp ốm đau chi phí hàng chục triệu đồng được BHYT chi trả đã giúp người bệnh an tâm chữa trị, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ĐBDTTS, trong đó đóng BHYT và có mức hưởng là 100% chi phí KCB theo BHYT cho ĐBDTTS ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Căn cứ Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 về đối tượng tham gia BHYT thì người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo sẽ được nhà nước đóng BHYT.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng phải khẳng định, việc thực hiện chính sách BHYT cho ĐBDTTS vùng khó khăn đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Tấm thẻ BHYT đã giúp bà con dân tộc thiểu số yên tâm, tạo động lực để họ phấn đấu lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.