Không lạ sao được khi tất cả 247 thành viên của Hội đồng đều do giới quân sự cử ra và dự thảo Hiến pháp là sản phẩm soạn thảo của một cơ chế khác cũng do giới quân sự lập ra và bố trí nhân sự.
Theo lộ trình đã được giới quân sự định ra, dự thảo sau khi được thông qua tại Hội đồng cải cách quốc gia sẽ trở thành văn kiện đưa ra trưng cầu dân ý để trở thành hiến pháp mới và sau khi có Hiến pháp mới thì sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Giới quân sự tiếp tục nắm quyền cho tới khi Chính phủ dân sự được thành lập trên cơ sở kết quả cuộc tổng tuyển cử. Vì thế, việc dự thảo Hiến pháp không được thông qua là diễn biến của một trong hai khả năng là giới quân sự không kiểm soát và chi phối nổi hội đồng này hoặc chủ ý dàn dựng biểu quyết không thông qua để trì hoãn những quy trình tiếp theo và qua đó kéo dài thời gian cầm quyền. Như thế có nghĩa là dù khả năng nào đã xảy ra thì giới quân sự ở Thái Lan cũng vẫn luôn được lợi.
Cả quy trình lập hiến tiếp theo đây cũng hoàn toàn do giới quân sự kiểm soát. Một hội đồng soạn thảo Hiến pháp mới sẽ được giới quân sự thành lập với nhiệm vụ soạn thảo ra Hiến pháp mới trong thời hạn 180 ngày. Dự thảo mới sẽ lại được đưa ra phê chuẩn ở Hội đồng cải cách quốc gia để sau đó có cuộc trưng cầu dân ý. Hiện tại chưa ai ở cả trong lẫn ngoài Thái Lan dám chắc dự thảo mới này rồi có được Hội đồng cải cách quốc gia thông qua và sau đó được người dân Thái chấp nhận trong trưng cầu dân ý hay không. Điều hiện có thể chắc chắn là cuộc tổng tuyển cử không thể diễn ra trong năm 2016 như dự kiến mà sớm nhất cũng phải trong năm 2017. Con đường tới nền dân chủ dân cử ở nước này vì thế vẫn còn rất xa và đầy trắc ẩn.
Gây tranh cãi nhiều nhất ở dự thảo Hiến pháp này là điều khoản một hội đồng 22 thành viên do giới quân sự kiểm soát trực tiếp nắm quyền trong trường hợp cần thiết và chính hội đồng này quyết định khi nào xảy ra trường hợp cần thiết ấy. Trong thực chất, điều khoản này "văn kiện hóa và thể thức hóa" quyền lực tối cao của giới quân sự trong Hiến pháp. Bác bỏ điều này là mục tiêu của các lực lượng dân chủ ở Thái Lan. Nhưng cái bi kịch ở đây là bác bỏ dự thảo hiến pháp hiện tại thì bác bỏ được điều khoản nói trên trong khi lại tạo cơ hội và điều kiện để giới quân sự kéo dài thời gian tiếp tục trực tiếp nhiếp chính. Chẳng có gì để đảm bảo là dự thảo tới sẽ khác biệt cơ bản. Vì thế, bi hài kịch này xem ra còn lặp lại ở Thái Lan và giới quân sự nước này vẫn còn dành cho mình nhiều thời gian để tiếp tục chơi ván bài quyền lực.