Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi hài "tiểu thư" lấy chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi Thư nhận lời lấy Bình, một anh chàng mê cô như điếu đổ và là con nhà giàu có, ai cũng nghĩ “tội” không biết nội trợ của Thư không vấn đề, vì đã có ôsin.

KTĐT - Khi Thư nhận lời lấy Bình, một anh chàng mê cô như điếu đổ và là con nhà giàu có, ai cũng nghĩ “tội” không biết nội trợ của Thư không vấn đề, vì đã có ôsin.

Là cô con gái duy nhất trong dòng họ nên tuy nhà không giàu, Tuyết vẫn được nâng như nâng trứng từ nhỏ. Cũng vì vậy mà cô không ít phen gặp tình huống vừa bi vừa hài hồi mới lấy chồng. 

Nhà chồng Tuyết cũng ở Hà Nội, nhưng quê ở Hải Dương. Vài tuần sau cưới, cả gia đình về quê ra mắt dâu mới. Nghĩ đến nấu cơm bếp củi, kéo nước giếng bằng gàu… Tuyết lo ngay ngáy. May là các chị ở quê thông cảm cho cô dâu thành phố, không để Tuyết đụng tay tí nào. Cô thở phào, tự nhủ chịu khó một ngày, mai về là ổn.

Thấy mọi sự trót lọt, Quang, chồng Tuyết, yên tâm ngồi vào mâm rượu với anh em. Một lúc lâu không thấy vợ đâu, sợ cô lạ nước lạ cái có điều gì lúng túng, anh buông cốc đứng dậy đi tìm. Khắp nhà dưới nhà trên chẳng thấy, Quang ra vườn mới thấy vợ đứng sau cây rơm, khóc thút thít. Hỏi thì cô thổn thức: “Em muốn “đi” nhưng không thấy toilet đâu”.

Quang bật cười, nhớ ra nơi “giải quyết nỗi buồn” ở nhà bác chỉ là hai cây cột bắc qua hầm cạnh chuồng lợn, Tuyết không nhận ra cũng phải, mà chính anh cũng chẳng dám vào. Chắc nàng ta định ra vườn “giải quyết”, nhưng sợ có người nhìn thấy nên không dám. May có chồng ra làm “cảnh vệ”, không thì cô chẳng biết làm thế nào.

Ở nhà chồng, Tuyết ít khi phải nấu nướng một mình, thường là mẹ chồng vừa làm vừa hướng dẫn. Nhưng có một chiều, mẹ đi vắng, dặn có thức ăn rồi, cô ở nhà chỉ cần luộc rau muống và cắm nồi cơm. Tối, bà mẹ về thấy con dâu ngồi thu lu trên salon phòng khách. Hỏi cơm nước xong chưa, Tuyết bảo: “Rau con luộc rồi, nhưng cơm thì chưa ạ. Tại… có một con chuột trong thùng gạo”.

Hóa ra khi mở nắp thùng gạo, nhìn thấy con chuột nhảy tưng tưng ở trong, cô nàng đóng ụp ngay lại, rồi mặt tái mét, người run rẩy, không dám bén mảng vào đó nữa. Chồng chưa về, bố chồng thì đóng cửa trong phòng nên không dám gọi nhờ bắt chuột, thế là cô ra ghế ngồi… chờ mẹ.

“Khuân” việc về nhà ngoại

Lần đầu tiên sang chơi nhà Hương để đặt quan hệ với thông gia tương lai, thấy mâm cơm vừa ngon vừa đẹp mắt, bà Dần xuýt xoa: “Cháu làm hết đấy à, khéo quá”. Hương chưa kịp chối thì người yêu cô đã bảo: “Chứ còn ai nữa hả mẹ?”. Sau khi cưới, Hương cứ ân hận mãi vì hôm đó không dám nói rõ là cơm do mẹ làm. Thực tế là từ bé đến giờ, cô chưa từng phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà.

Mỗi lần mẹ chồng, trước khi đi làm, bảo hôm nay con nấu món nọ món kia nhé, Hương không dám từ chối hay thú nhận là mình chưa làm bao giờ. Cô dạ, khi đến văn phòng thì gọi điện cho mẹ, nhờ bà nấu hộ. Gần trưa, Hương qua mẹ lấy đồ ăn mang về nhà trước khi mọi người trở về.

Có hôm, bố chồng đưa mấy thứ quần áo sút chỉ, hỏng khóa, nhờ con dâu sửa hộ. Chẳng lẽ bảo con không biết làm, cô mang về phòng, nhét vào túi nylon đen, rồi sau đó lại… khuân về cho mẹ đẻ.

Sau một thời gian nấu ăn, khâu vá cho nhà thông gia, thấy không ổn, mẹ Hương bắt con gái trước khi mang về một món nấu hộ thì phải nghe bà nói tỉ mỉ cách làm, và mỗi món bà chỉ nấu giúp đúng một lần. Bà cũng yêu cầu con gái mỗi chủ nhật đều về chơi để bà huấn luyện tề gia nội trợ. Được một thời gian, Hương bắt đầu tự làm lấy. Bố mẹ chồng thầm thắc mắc, không hiểu sao phong độ nấu nướng của con dâu đột nhiên giảm sút.

Đêm nào cũng khóc vì đau mỏi

Là con một trong gia đình khá giả ở Hà Nội, thời con gái, việc nhà duy nhất của Thư là mặc váy áo cho mấy “em” chó cưng. Cô không phải làm gì một phần cũng vì sức khỏe yếu, hơi tí là sụt sịt, ốm đau. Khi Thư nhận lời lấy Bình, một anh chàng mê cô như điếu đổ và là con nhà giàu có, ai cũng nghĩ “tội” không biết nội trợ của Thư không vấn đề, vì đã có ôsin.

Thế nhưng, ngay buổi sáng đầu tiên thức dậy ở nhà mới, Thư đã nhìn thấy vẻ mặt không hài lòng của mẹ chồng. “Lâu  nay mẹ vẫn dậy sớm lau dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, giờ mẹ giao lại cho con”. Không quen việc nên để đi làm kịp giờ, Thư phải dậy rất sớm, vừa gà gật vừa lau hết mấy tầng thang gác, nhà khách, phòng bếp, rồi ba chân bốn cẳng đi mua đồ ăn. Tối về, cô phụ mẹ chồng nấu ăn, rồi rửa bát, lau dọn, giặt và phơi quần áo… Mẹ chồng kỹ tính, cái gì cũng phải sạch như ly như lau.

Thế nên tối nào lên giường, người Thư cũng đau như dần. Nghĩ mình chưa bao giờ phải chịu cực như thế mà vẫn bị chê bai, cô khóc hằng đêm. Một hôm Thư rụt rè xin thuê giúp việc, cô sẽ trả khoản chi đó, mẹ chồng ngạc nhiên nhìn cô: “Mấy chục năm nay mẹ làm một mình còn được, huống nữa là giờ có cả hai mẹ con, sao lại phải thuê? Cùng là người cả, mẹ không chịu được việc để người khác hầu hạ mình”. Thế là Thư lại tiếp tục những đêm khóc vì đau mỏi, vì tủi thân.

Những ngày chân ướt chân ráo về nhà chồng, ngay cả các nàng dâu khéo léo còn phải vã mồ hôi, nữa là cô gái “không biết gì” như Thư, Tuyết… Vất vả, rắc rối là điều tất nhiên xảy đến với họ. Nhưng thời gian qua, mọi chuyện đều đâu vào đấy, bởi họ ít nhiều cũng có tiến bộ, còn các bà mẹ chồng thì dần dần quen với sự vụng về của nàng dâu nên bớt khắt khe.

“Nghĩ lại, thấy cũng nhờ mẹ chồng kỹ tính mà bây giờ mình ra ở riêng mới biết chăm chồng, chăm con”, Thư tâm sự. “Mà lạ một điều, từ hồi phải nai lưng làm việc nhà, cái chứng hay ốm đau sụt sịt của mình cũng biến mất lúc nào không biết”