Theo Bí thư Thành ủy, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, ngay từ bây giờ, huyện Đan Phượng phải tập trung ngay vào việc duy trì, xây dựng nếp sống văn hóa.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm mô hình trồng lan tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thanh Hải |
“Chúng ta đừng cho là việc nhỏ, như việc vi phạm giao thông thông thường, hay mối quan hệ làng xóm, xưng hô thế nào, không làm tốt, sẽ mất hết. Hiện khu vực nội thành đang phải xây dựng lại quy tắc ứng xử cho phù hợp. Việc này đòi hỏi bền bỉ, kiên trì rất nhiều”, đồng chí nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu huyện phải nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới với chất lượng cao hơn. Trong đó, chú trọng hơn đến đầu tư thiết chế văn hóa và quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Thật buồn khi về quê mà không thấy lũy tre đâu, làng thì ô nhiễm. Rồi lại phải dựng cả khung cảnh làng quê ở phố để giới thiệu cho du khách”. Để kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội, theo Bí thư Thành ủy, Đan Phượng có thế mạnh lớn nhất là con người. Bởi đây là huyện “5 tấn” đầu tiên của miền Bắc, đạt chuẩn nông thôn mới và tới đây là huyện đạt chuẩn về giáo dục đầu tiên của Hà Nội. Nguồn lực từ sự sáng tạo ấy cần tiếp tục được phát huy. Bên cạnh đó, huyện cũng cần tiếp tục thu hút đâu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN. “Muốn vậy, lúc nào mỗi cán bộ, công chức cũng phải đặt câu hỏi, liệu mình có thể làm tốt hơn cho người dân, DN để từ đó nâng cao trách nhiệm phục vụ, rút ngắn thủ tục hành chính”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói. Theo đánh giá, kinh tế của huyện Đan Phượng từ đầu năm đến nay tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá, (tăng 8,63 % so cùng kỳ); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng (7,17 % so cùng kỳ); thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng khá (12,05% so cùng kỳ). Thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt 81,6% dự toán được giao (138,3 tỷ đồng). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; vụ Xuân lúa được mùa (năng suất đạt 65 tạ/ha); nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung chỉ đạo mang lại hiệu quả cao.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình, huyện Đan Phượng, Ảnh: Thanh Hải |
Các cụm điểm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, quản lý, tiếp tục được quy hoạch mở rộng như ở làng nghề Liên Hà, Liên Trung. Thương mại, dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Trong chỉ đạo tổ chức sản xuất, huyện Đan Phượng đã chú trọng củng cố quan hệ sản xuất, thành lập HTX chuyên canh quy mô liên xã, HTX chăn nuôi tại xã Trung Châu; kiện toàn HTX rau an toàn tại Phương Đình… đã góp phần mở ra hướng đi mới cho kinh tế hợp tác của huyện. Huyện đã chú trọng phát triển các mô hình bảo vệ môi trường; tăng diện tích công viên, cây xanh, bảo vệ cảnh quan, hồ nước, nâng cao chất lượng môi trường ở khu dân cư. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, trật tự xây dựng được tăng cường; các dự án cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, giao thông nông thôn được đẩy nhanh tiến độ (5 dự án chuyển tiếp và 45 dự án mới khởi công). Các vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều, tài nguyên, môi trường được huyện tích cực ra quân xử lý. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy nhanh tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án được tiến hành công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao…