Năm 2017, Chính phủ buộc phải cắt giảm tỷ lệ nguồn thu được để lại của một số địa phương đầu tàu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vì ngân sách Trung ương quá khó khăn. Xin ông cho biết quan điểm của Hà Nội về vấn đề này?Việc điều tiết theo tỷ lệ nào hợp lý để Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển và quan trọng nữa là tiếp tục tạo ra nguồn thu tốt đóng góp cho Trung ương là hết sức thách thức. Cả hai thành phố đang bàn với các bộ, ngành, Trung ương để trình ra Quốc hội quyết định về tỷ lệ này.
Tuy nhiên, Hà Nội nhận thức rằng, càng trong hoàn cảnh phải đương đầu với khó khăn, thách thức thì càng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Thực tế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đầu tàu kinh tế lớn, có trách nhiệm lớn trong đóng góp ngân sách cho Trung ương để Trung ương còn lo cho nhiều địa phương khác chưa có điều kiện phát triển, thu hẹp sự chênh lệch trong phát triển của các vùng miền trong cả nước. Đó là trách nhiệm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều năm qua, chúng tôi vẫn luôn thực hiện trách nhiệm đó. Mình có lợi thế về kinh tế thì hỗ trợ các địa phương, là đầu tàu thì phải có trách nhiệm kéo cả toa tàu. Đó cũng là điều đương nhiên.Khi bị cắt giảm nguồn thu được để lại, Hà Nội gặp sức ép nào không, thưa ông?Cũng như TP Hồ ChíMinh, sức ép rất lớn cho Hà Nội là vấn đề về đô thị. Với chủ trương cắt giảm thì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ gặp phải thách thức rất lớn trong giải quyết các vấn đề về đô thị khi mức đầu tư từ ngân sách chỉ từ 20%, còn lại 80% phải kêu gọi đầu tư xã hội. Nếu kêu gọi đầu tư xã hội không được sẽ dẫn đến Hà Nội thiếu nước, thiếu điện, thiếu xử lý nước thải, các hồ nước ô nhiễm… Những vấn đề đó rất nan giải.Thành phố luôn tính đến khả năng tối đa là kêu gọi đầu tư xã hội, tuy công việc này không dễ dàng. Chẳng hạn, kêu gọi đầu tư xã hội cho việc xử lý rác, nếu xã hội hóa không khéo, không thận trọng, quản lý không tốt, không bài bản, thì họ xử lý không đảm bảo công nghệ, không bảo vệ môi trường khiến thành phố sẽ bị tai tiếng. Thành phố sẽ phải tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm việc đầu tư không hiệu quả. Hay trong việc gọi vốn làm tàu điện ngầm. Chúng ta đã quy hoạch 8 tuyến (đường sắt đô thị) nhưng vẫn chưa đủ cho đô thị 10 triệu dân nên phải tiếp tục quy hoạch đấu nối. Vậy vốn ở đâu ra, đặc biệt là vốn làm tàu điện ngầm, dù Hà Nội kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Nếu không làm tàu điện ngầm thì sẽ hết sức khó khăn cho g iao thông của Hà Nội những năm tới.Có nhiều dự báo rằng nếu quản lý không có đột phá, chỉ thời gian ngắn nữa, Hà Nội sẽ không còn đường để đi. Ý kiến của ông?Hà Nội có mức tăng trưởng về dân số cao, khoảng 2,4%/năm (tương đương 200.000 người/năm) và xu thế đó không thể ngăn được. Cùng với mức tăng trưởng về dân số, 5 năm qua số lượng ô tô của Hà Nội tăng trung bình 16,9%/năm (hiện Hà Nội có 560.000 chiếc), xe máy tăng gần 8% (hiện có 5,5 triệu chiếc). Trong khi diện tích nội đô vẫn vậy, tốc độ đầu tư cho đường sá, hạ tầng của Hà Nội chỉ 3,9%/năm là nhìn thấy rõ bất cập.Thành phố tiếp tục rất nỗ lực cố gắng giảm mật độ dân cư khu trung tân, việc này đã có định hướng, có kế hoạch chiến lược từ lâu. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiếu nên nỗ lực này vẫn chỉ là mong muốn. Do đó, từ mong muốn đến hiện thực luôn có độ trễ.Hà Nội làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và thực hiện, thưa ông?Hiện thành phố đang tập trung dành vốn hoàn thiện, đầu tư các đường vành đai và các trục đường trung tâm kết nối nội đô với các đô thị bên ngoài, tức phát triển đô thị ra ngoài thay vì phát triển vào trong. Vừa qua, chúng tôi đã rà soát các dự án nhiều năm không triển khai để dừng lại, dành đất cho không gian đô thị như: khởi công 6 hồ, làm một số công viên, không gian cho giao thông và công cộng… Những dự án đã cam kết từ trước thì bắt buộc khẩn trương làm, dừng tối đa những dự án có thể dừng được, đồng thời đẩy các dự án ra ngoài nội đô một cách tối đa. Việc này sẽ mất khoảng 5-7 năm để khu vực phía ngoài phát triển. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ưu tiên đầu tư đồng bộ các thiết chế xã hội và văn hóa vì đó là mối quan tâm hàng đầu của người dân khi họ chuyển đến sinh sống….Còn trong nội đô, Hà Nội phải tiếp tục đầu tư các kết nối, các đường trên cao, đường sắt đô thị như: tuyến Nhổn- ga Hà Nội (hoàn thành năm 2021), Cát Linh-Hà Đông (năm 2018), đang khởi động trở lại tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo… Hà Nội có năm đô thị vệ tinh, đã quy hoạch xong bốn, tới đây Thủ tướng phê duyệt đô thị Hòa Lạc nữa là năm. Bây giờ thành phố kêu gọi các nhà đầu tư vào lập quy hoạch và phát triển các khu đô thị vệ tinh, nếu phát triển, kết nối được sẽ tạo ra khả năng lan tỏa phân bố dân cư ra ngoài.