Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.
Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành,
Thưa các đồng chí đại diện Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng Trung ương,
Thưa các đồng chí!
Với tinh thần trách nhiệm, tích cực, khẩn trương, hiệu quả, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 25 đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung đề ra. Tại hội nghị, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, với không khí thảo luận sôi nổi, đã có 15 lượt ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm cao tham gia đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị (lần thứ 5); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; đồng thời góp ý trực tiếp vào dự thảo Quy chế làm việc, Quy định và hướng dẫn Quy chế bầu cử tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(1)-Về dự thảo Báo cáo chính trị: Hội nghị ghi nhận, đánh giá cao Tiểu ban Văn kiện, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 24 và Kế hoạch số 01 của Tiểu ban văn kiện; đã tiếp thu tối đa các ý kiến của các đồng chí Thành ủy viên và tổ chức thành công 10 hội nghị lấy ý kiến góp ý. Đồng thời, tổng hợp, chắt lọc các thông báo kết luận và Biên bản ghi nhớ của Thường trực Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố đối với các Bộ (Giao thông vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin - Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư) cũng như Nhân dân, cán bộ, đảng viên thông qua việc đăng tải toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị trên một số báo của Thành phố; tiếp thu ý kiến tại Đại hội của các đảng bộ trực thuộc để hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị, đảm bảo tính khoa học, biện chứng, kế thừa và sát thực tiễn, thể hiện sự nghiêm túc, công phu, bài bản của quá trình chuẩn bị.
Hội nghị thống nhất về Chủ đề, phương châm Đại hội, bố cục, nội dung đánh giá, nhận định về kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, đúc rút bài học kinh nghiệm, các chỉ tiêu, mục tiêu, các định hướng lớn và 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá cùng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được cụ thể hóa bằng 9 chương trình công tác lớn để thực hiện trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện lần cuối để trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt.
(2)-Về dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI: Ban Chấp hành cho rằng, Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị (tại Chỉ thị số 35 ngày 30/5/2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,Quy định số 10-QĐ/TW ngày 12/12/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 42 ngày 03/10/2016 của Ban Bí thư về nhiệm vụ, quan hệ công tác của Thường trực tỉnh, thành ủy; Quyết định số 168 ngày 28/12/2018 của Ban Bí thư về ban hành quy chế làm việc mẫu của tỉnh, thành ủy; Công văn số 11966 ngày 16/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về việc nâng cao chất lượng các văn kiện và tổ chức thật tốt việc thảo luận tại đại hội). Đồng thời đã bám sát quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVI, cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy. Dự thảo Báo cáo đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, khiêm tốn, cầu thị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy khóa XVI, phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, ý thức sâu sắc về vai trò lãnh đạo đối với một đảng bộ lớn nhất cả nước; vai trò, vị trí của Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Dự thảo Báo cáo đã đánh giá khá sâu sắc, toàn diện nhưng cũng rất cô đọng, súc tích, khái quát cao những kết quả nổi bật đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, những bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ 2015-2020.
(3)-Về dự thảo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố: Đã bám sát dự thảo Báo cáo chính trị, thể hiện rõ những kết quả nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045, với những tư tưởng, quan điểm, tầm nhìn mang tính chiến lược; cũng như các mục tiêu, định hướng lớn, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; điểm cốt lõi trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cụ thể trong từng lĩnh vực.
(4)-Về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố: Chương trình hành động đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cụ thể trong từng lĩnh vực; đồng thời, trên cơ sở kế thừa 8 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI và từ yêu cầu thực tiễn, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất xây dựng 9 chương trình công tác khóa XVII để thực hiện Nghị quyết.
(5)-Về dự thảo Quy chế làm việc, Quy định và hướng dẫn Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: Đã bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị và các quy định về bầu cử trong Đảng.
Thưa các đồng chí!
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là diễn ra Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và các ngày lễ kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, 66 năm giải phóng Thủ đô trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhất là lây nhiễm trong cộng đồng do chưa truy vết được nguồn F0. Tính đến ngày 19/8/2020, thế giới đã ghi nhận tổng số trên 22.593.700 ca mắc, 791.201 người tử vong tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có tổng cộng 994 ca mắc Covid-19, trong đó có 654 ca lây nhiễm trong nước. Cả nước đã điều trị khỏi cho 533 ca, ghi nhận 25 ca tử vong và 1 ca tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2. Hà Nội có tổng số 157 ca mắc, trong đó có 139 ca đã hồi phục, còn 18 ca đang nhiễm, chưa có ca tử vong. Nhiệm vụ đặt ra rất lớn, tiến độ khẩn trương, đòi hỏi Đảng bộ Thành phố, trước hết là mỗi đồng chí Thành ủy viên, cấp ủy Đảng các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Các quận huyện và tổ chức Đảng trên cơ sở cần khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Sớm tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết, xây dựng và thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Chương trình hành động toàn khóa giai đoạn 2020-2025. Cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết để tập trung chỉ đạo hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách theo đặc thù từng địa phương. Đồng thời cần chú ý kiện toàn nhân sự Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể sau Đại hội theo Đề án nhân sự đã được phê duyệt và kết quả bầu cử tại Đại hội.
Thứ hai, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành ủy, các Thông báo kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, mới nhất là Công điện ngày 28/7 và Thông báo 2791 ngày 05/8, Thông báo 2816 ngày 18/8 của Thường trực Thành ủy cũng như Công điện ngày 18/8 của UBND Thành phố…). Yêu cầu kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như trong giai đoạn trước, trước hết là cần kích hoạt lại tinh thần và nhận thức từ trong hệ thống chính trị, từ lãnh đạo tới cán bộ, công chức và lan tỏa tới Nhân dân. Tiếp tục triển khai thật tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, khắc phục tình trạng chủ quan hoặc thiếu trách nhiệm; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp tục kiên trì thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Khẩn trương rà soát, theo dõi chặt chẽ, phát hiện và khoanh vùng kịp thời những người đã tiếp xúc với người nghi nghiễm hoặc nhiễm bệnh; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người có nguy cơ để kịp thời cách ly, điều trị, không để lây lan dịch bệnh. Các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế; phải trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, không để lây nhiễm chéo; tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế. Tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly tập trung để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Rà soát các những người nhập cảnh vào TP và những người đi về từ các vùng có dịch bệnh của các tỉnh, thành khác để có các biện pháp phòng dịch kịp thời, hiệu quả.
Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của Thành phố; sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch bùng phát lại ở cấp độ cao. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, không để cho các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh, trật tự hoặc đưa thông tin xuyên tạc, không đúng về tình hình dịch bệnh.
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội TP tiếp tục nắm chắc tình hình Nhân dân; tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch của TP và các địa phương trong nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong giám sát, phát hiện, báo tin các trường hợp có nguy cơ để kịp thời khoanh vùng, sàng lọc, cách ly, kiên trì phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là giải pháp hiệu quả đã được kiểm chứng trong giai đoạn trước của dịch.
Thứ ba, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách:
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi từ tháng 5, 6 và trong tháng 7, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng, đạt mức khá so với bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 4,9% so với tháng 6; lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 4%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 7 đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,84% so với tháng 6; lũy kế 7 tháng đạt 1,66 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng đầu năm 165,96 nghìn tỷ đồng (bao gồm tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn), đạt 55,9% dự toán, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển thuận lợi, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Hầu hết người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ. Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, đã kịp thời hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi đơn vị 1 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác để phòng, chống đại dịch Covid-19.
Hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được duy trì, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Công tác CCHC được duy trì, có mặt được đẩy mạnh; tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, lãng phí tiếp tục được tăng cường; công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. An ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô được tổ chức tốt, an toàn, tiết kiệm, nhất là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, góp phần động viên tinh thần, nâng cao sức khỏe và phúc lợi xã hội cho người có công. Triển khai tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên địa bàn TP, đảm bảo an toàn trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những kết quả tích cực, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ những tháng đầu năm, lũy kế 7 tháng còn một số chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019: Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 8,3 tỷ USD, giảm 7,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 6,13 triệu lượt, giảm 63,3% so với cùng kỳ. Tháng 7 năm 2020, TP có 2.831 DN thành lập mới (giảm 4% về số lượng và 7% về số vốn so với cùng kỳ 2019); lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, có 15.493 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 7% về số lượng và tăng 4% về số vốn so với cùng kỳ). Thu ngân sách có chiều hướng giảm thu nội địa (thu nội địa đạt 153,89 nghìn tỷ đồng, đạt 51,8% và chỉ bằng 89% so với cùng kỳ). Đầu tư công còn ách tắc, tiến độ giải ngân tuy tăng so với cùng kỳ nhưng còn rất chậm (chi đầu tư phát triển mới đạt 32% dự toán, khoảng 15 nghìn tỷ đồng); việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN hầu như chưa có nhiều chuyển biến.
- Tôi đề nghị, từng sở ngành, nhất là quận, huyện cần phân tích, đánh giá đúng tình hình và xác định trách nhiệm, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tập trung hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2020. Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi, duy trì tăng trưởng, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, đảm bảo cung - cầu hàng hóa. Tập trung khắc phục các khâu yếu nhất hiện nay như đã nói ở trên, xem xét trách nhiệm cụ thể từng tập thể, cá nhân nếu để trì trệ và không đạt chỉ tiêu.
Phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 ở mức cao nhất. Tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, phấn đấu đạt dự toán các khoản thu từ thuế, phí; phối hợp khai thác tăng thu các khoản thu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của các dự án. Từ kết quả Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAR...; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, đưa các dự án triển khai một cách nhanh nhất để nuôi dưỡng nguồn thu NSNN bền vững.
Tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân đạt 100% trong năm tài chính 2020; rà soát, tháo gỡ khó khăn từng dự án đầu tư công, các dịch vụ công của TP và cơ sở, đẩy nhanh thủ tục giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ TP và Đại hội Đảng toàn quốc. Tăng cường kiểm tra các công trình cải tạo chống úng ngập, chỉnh trang việc lát đá vỉa hè. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm dây cáp viễn thông và điện lực; thi công các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp.
Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, Ban cán sự Đảng UBND TP cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, nhất là kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, trước hết là đầu tư tư nhân và vốn FDI để thúc đẩy tăng trưởng; xây dựng chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã; điều chuyển vốn từ dự án không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân; xác định việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư đối với việc phát triển nhà ở xã hội; rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai; đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị.
Đảng đoàn HĐND TP chỉ đạo tăng cường giám sát việc triển khai giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, nhất là về đầu tư công. Phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội và Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Thứ tư, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội XVII Đảng bộ TP. Trên cơ sở kết quả hội nghị, các tiểu ban Đại hội XVII Đảng bộ TP chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch; tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và ý kiến của các Đại hội đảng bộ quận, huyện, thị xã và tương đương để hoàn thiện toàn bộ Văn kiện đại hội XVII Đảng bộ TP và hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 năm 2020 để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị theo quy định. Tiểu ban nhân sự thực hiện quy trình nhân sự Đảng bộ TP, hoàn thành trong tháng 8/2020.
Rà soát, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các công việc tổ chức Đại hội của Tiểu ban nhân sự theo các kịch bản phù hợp sát tình hình thực tiễn trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 155 của Thành ủy. Tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, kịp thời thông tin, báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy những khó khăn, vướng mắc, phức tạp phát sinh.
Thứ năm, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội XIII của Đảng gắn với các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm giải phóng Thủ đô, Đại hội thi đua yêu nước của TP bằng hình thức thiết thực, phù hợp, chú trọng tuyên truyền trên báo chí, trên mạng internet, tuyên truyền, cổ động trực quan; đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện các công trình, phần việc thiết thực chào mừng Đại hội, tạo khí thế phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân chào mừng Đại hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đảng bộ TP lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn TP. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự với phát triển kinh tế - xã hội.
Thưa các đồng chí!
Trong bối cảnh hiện nay, trước tình hình phát sinh những khó khăn, hơn lúc nào hết, toàn Đảng bộ phải phát huy tinh thần đoàn kết và bản lĩnh, nâng cao trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, chung sức đồng lòng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của TP và những nội dung đã được Hội nghị hôm nay nhất trí thông qua và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.
Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khoá XVI.
Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô! Xin trân trọng cảm ơn./.