Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi tương lai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính trường và thị trường toàn cầu đã trải qua một tuần đầy biến động khi ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Còn Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình chọn ra thế hệ lãnh đạo tương lai.

Từ nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng đối với kinh tế thế giới. Sự hồi phục chậm chạp của Mỹ trong hai năm trở lại đây đã  đẩy kinh tế toàn cầu vào một trong những giai đoạn khó khăn và nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Vì thế, nguy cơ về "vách đá tài khóa" do Chính phủ cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách không chỉ khiến Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2013 mà còn đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt với tình trạng đổ vỡ có hệ thống. Sự náo loạn trên các thị trường thế giới khi Mỹ bị mất tín nhiệm vàng AAA vào tháng 8/2012 là dẫn chứng rõ ràng nhất cho những tác động do hai đảng trong Quốc hội không thể đạt được về thỏa hiệp ngân sách có thể gây ra. Trên thực tế, ngay khi ông Obama thắng cử, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, phản ánh sự bất an của các nhà đầu tư trước những thách thức mà Tổng thống sẽ phải đối mặt. 
 
Biến đổi tương lai - Ảnh 1
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua ngay sau khi ông Obama thắng cử

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 kéo dài từ ngày 8 - 14/11 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá nhằm duy trì và thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng của nền kinh tế thứ hai thế giới. Dù, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc liên tiếp bị hạ xuống trong thời gian gần đây nhưng tốc độ tăng trung bình khoảng 8%/năm của quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới này vẫn là động lực không nhỏ đối với kinh tế toàn cầu vốn đang rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Liên quan đến cục diện trên chính trường thế giới, việc ông Obama tiếp tục nắm giữ vai trò là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới cùng sự lớn mạnh về thế và lực của Trung Quốc sẽ có tác động không nhỏ đến những diễn biến tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông, vốn vừa trải qua nhiều biến cố sau phong trào "Mùa Xuân Arập". Đặc biệt, sự giằng co ảnh hưởng cũng như mâu thuẫn lợi ích giữa hai cực của thế giới là Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây tại hầu hết các châu lục đang ngày càng trở nên gay gắt. Tại châu Á - Thái Bình Dương, địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc đã trở nên sôi động chưa từng có khi Tổng thống Obama quyết tâm thực thi việc chuyển hướng chiến lược sang khu vực này.

Về cơ bản, những vị trí lãnh đạo quan trọng nhất tại Mỹ và Trung Quốc đã được xác định nhưng tương lai thế giới có biến đổi theo hướng ổn định và thịnh vượng hơn  hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vì thực tế, tuy chính trường hai nước chứng kiến sự biến động to lớn nhưng chính sách đối nội và đối ngoại của hai quốc gia này vẫn là bất biến theo hướng củng cố và bành trướng thế lực của mình.