Biển Đông "làm nóng" Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những căng thẳng trên Biển Đông gần đây có thể là tâm điểm trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 đã chính thức khai mạc hôm nay với nhiều nội dung thời sự, trong đó có vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập trong những phiên họp và hoạt động sắp tới.

Cam kết phát huy vai trò ASEAN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh, trong sáu tháng qua, kể từ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 1/2019, sự hợp tác chặt chẽ của các nước ASEAN đã mang lại những kết quả cụ thể. 

 Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong phiên khai mạc ngày 31/7. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai khẳng định, một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và giữ vai trò trung tâm là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực. Trước tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đề xuất ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nội khối cũng như với các đối tác, tận dụng tối đa các cơ hội mang lại để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với những thách thức đang nổi lên.

Trong phát biểu dẫn đề với tư cách nước Chủ tịch kế tiếp của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN đang ngày càng phát triển lớn mạnh, gắn kết chặt chẽ với vai trò trung tâm và vị thế quốc tế được củng cố, tiến trình xây dựng Cộng đồng được triển khai tích cực.

Là nước Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tinh  thần và động lực của năm 2019 để tăng cường thống nhất và gắn kết ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh, phát triển toàn cầu.

Vấn đề Biển Đông sẽ bao trùm hội nghị?

Văn bản dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã được hoàn tất chỉ vài ngày ngay trước thềm Hội nghị AMM 52. Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), các nhà đàm phán từ 10 nước ASEAN đã gặp đại diện Trung Quốc tại Penang (Malaysia) tuần trước để thảo luận về các vấn đề còn bế tắc liên quan đến COC. Kết quả của cuộc đàm phán tại Penang dự kiến được đưa ra trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc bắt đầu vào hôm 31/7 tại thủ đô Bangkok. 

Trong bối cảnh đó, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vừa qua đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc rút tàu của phía Việt Nam. Trước đó vào tháng 5, các tàu hải cảnh của Trung Quốc còn có hành vi quấy rối và cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam và Malaysia.

Những căng thẳng trên Biển Đông ngay sát thềm Hội nghị đang biến sự kiện lần này trở thành tâm điểm chú ý khi có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bên cạnh người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và các nước đối tác của ASEAN.

Hãng tin Reuters khẳng định, một số nghị sĩ Mỹ đã đề nghị ông Pompeo ưu tiên thảo luận về Biển Đông trong hội nghị Bộ trưởng lần này. "Chính quyền Mỹ đã nhấn mạnh chính xác việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và chúng tôi hoan nghênh các biện pháp đảm bảo Tự do hàng hải, nhưng chúng tôi mong rằng cần nhiều hơn nữa để chống lại các hoạt động gây hấn của Trung Quốc và cản trở nỗ lực xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc", các nghị sĩ nói trong thư.

"Biển Đông sẽ trở thành cốt lõi quan trọng của các chương trình nghị sự. Và vì điều đó, Trung Quốc sẽ cố gắng kiềm chế những lập trường cứng rắn của các nước, chẳng hạn như Philippines. Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách nhắc lại yêu sách chủ quyền của họ và chỉ trích sự can thiệp từ những nước bên ngoài khu vực", Bloomberg trích lời Alexander Neill-chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Anh.

Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, chuyên gia Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định, bài phát biểu mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị AMM 52 hôm 2/8 tới sẽ hé lộ thêm thông tin về bước đi của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.