Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biện pháp phòng từ xa cho lễ hội

Lại Tấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa lễ hội 2019 chuẩn bị bắt đầu. Năm nào cũng vậy, điệp khúc chen lấn, cướp lộc vẫn luôn diễn ra. Để làm rõ hơn những quan niệm không đúng về phong tục cổ truyền trong lễ hội, trách nhiệm của cơ quan quản lý, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

 Hội chọi trâu tại Đồ Sơn năm 2018. Ảnh: An Đăng
Tham gia các lễ hội, người dân quan niệm cướp lộc sẽ đem may mắn nên tại nhiều nơi xảy ra tình trạng tranh cướp, thậm chí xô xát dẫn đến thương tích. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Trong dân gian, nhiều nơi quan niệm cướp được cái gì thì lộc cái đó. Tôi nhớ ở đền Đuông (Vĩnh Phúc), người ta tung lên một cây bông, rồi gươm. Ai cướp được gươm thì sinh con trai, ai cướp được hoa thì sinh con gái. Cướp hoa tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng vậy. Nhưng lộc ở đây phải hiểu là lộc tự đến, không phải cướp được mà có.

Cướp lộc là cách nói dân gian nhưng thực ra đó là hoạt động làm sống lại những giá trị văn hóa, lịch sử. Ví dụ như hội làng ở Phù Đổng (hội Gióng), người ta dựng lại cả một trận đánh cờ, có sự tổ chức, chỉ huy, dàn trận. Trong cướp là diễn chứ không phải là cướp giật nhau đến mức độ tàn phá.

Vậy phải chăng, văn hóa ứng xử tại các lễ hội của người dân đang bị hiểu sai lệch, thưa ông?

- Tôi thấy người đến chùa có người thắp cả bó hương làm ô nhiễm môi trường; gốc cây nào, chỗ nào cũng cắm, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia lễ hội. Tôi còn nhớ khi hòa thượng Thích Thanh Tứ còn sống đã nói: “Đạo Phật không có căn dặn người ta thắp hương như thế. Đạo Phật cũng không dạy người ta đốt vàng mã khi đến chùa. Đạo Phật dạy chúng ta phải tiết chế, ngăn cản những dục vọng, mong muốn, tham lam, sân si. Nhưng cuối cùng, người dân đốt nhiều chỉ mong cầu tài, cầu lộc và nhiều thứ khác nhau, như vậy là trái với Phật pháp”.

Những năm gần đây, một số lễ hội phát sinh có nhiều hình ảnh không đẹp như chen lấn để cướp lộc, chặt chém du khách, lừa đảo... Theo ông, lỗi do công tác quản lý hay do ý thức người đi hội?

- Hà Nội là nơi hội tụ nhiều lễ hội. Từ mùng 5 tháng Giêng (âm lịch) có lễ hội Gò Đống Đa, mùng 6 có lễ hội Cổ Loa, Thánh Gióng, chùa Hương. Gần đây, có nhiều vấn đề tại lễ hội như việc cướp lộc, chen lấn xô đẩy… nên nhiều người nghĩ rằng, Hà Nội trước đây tổ chức lễ hội tốt nhưng giờ đang kém đi. Tôi chia sẻ với những người làm văn hóa Hà Nội, họ nói kém đi cũng phải chịu vì đã có chuyện xảy ra. Nhưng phải nhìn nhận khách quan rằng, lễ hội bây giờ đã khác.

Trước đây, lễ hội chỉ gói gọn trong một thôn, một làng, với số lượng người tham gia ít hơn. Bây giờ, lễ hội có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người tham gia. Do vậy, không cơ quan quản lý nào đủ người để quản lý. Sở VH&TT Hà Nội, UBND cấp quận, huyện, thị xã, thậm chí cả TP cũng không đủ để chi viện. Do vậy, chúng ta không thể chỉ trông vào lực lượng quản lý văn hóa được.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là làm mờ nhạt vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tôi cho rằng, chúng ta phải có những biện pháp phòng từ xa. Có nghĩa, cơ quan quản lý phải làm sao cho cộng đồng hiểu được, mình tham gia lễ hội tức là bản thân cấu thành lên lễ hội đó. Người ta vẫn nói “tả tơi xem hội” hay “đi trẩy hội”, rõ ràng lễ hội phải đông mới vui, mới long trọng, nếu mỗi người có ý thức thì sẽ hạn chế được những hành vi không đẹp.

Xin cảm ơn ông!